Chương 1
Cập nhật: 4 tuần trước
1.
Mấy hôm trước Trung thu trời mưa to, cửa kính bị dính đầy bùn đất, tôi mới định thuê người đến lau.
Chị dâu mới cưới được 3 tháng, nghe xong thì không vui vẻ gì.
“Trong nhà rảnh bao nhiêu người, không dùng lại đi thuê ngoài? Cô tưởng nhà mình là đại gia chắc?”
Chị dâu tôi quê ở một thị trấn nghèo, nhà chẳng mấy khá giả.
Cũng vì sợ chị ấy tự ti nên gia đình tôi luôn nhường nhịn chị, sống sao cho chị thấy thoải mái. Dù sao thì chăm chỉ chịu khó cũng không phải chuyện xấu.
Tôi nhẹ nhàng giải thích:
“Chị ơi, nhà mình tầng 16, tự lau kính nguy hiểm lắm. Từ trước khi chị về, tụi em cũng toàn thuê người chuyên làm.”
Ngờ đâu chị dâu vừa nghe vậy đã rưng rưng nước mắt.
“Ý em là gì? Chê chị nghèo, không biết tận hưởng à?”
“Chị nói thật, chị cũng chỉ là lo cho cái nhà này, kiếm tiền không dễ đâu. Không làm chủ thì không biết lo cơm áo gạo tiền là gì đâu.”
Nói rồi, chị ta cầm luôn cái khăn:
“Được rồi được rồi, mạng mọi người quý giá, chỉ có chị dâu mạng rẻ, mọi người khỏi làm, để chị dâu làm.”
Lúc đó mẹ tôi đang ngồi nhặt rau gần bàn ăn, nghe xong liếc nhìn tôi rồi bước đến khuyên:
“Tiểu Ngọc à, nhà mình không phải đại gia nhưng cũng không đến nỗi không thuê nổi người. Cứ để người chuyên nghiệp làm đi, an toàn vẫn là trên hết.”
Chị dâu đã mở cửa sổ ra.
Gió thổi ào một cái, chị ta sặc gió, suýt ngã, nhưng vẫn quay lại, nhìn chúng tôi với ánh mắt vừa ngập ngừng vừa đầy chờ mong.
“Mẹ à, mẹ mà cứ nuông chiều con bé Toa Toa vậy, nó tưởng tiền là lá rụng ngoài sân đấy!”
“Cả ngày ăn với ở không, chẳng chịu tìm người yêu, xài tiền thì như phá, ai chịu nổi!”
Tôi bỗng hiểu ra, hóa ra chị dâu đang mượn chuyện để đá xéo tôi.
Nhưng chị ta không biết, nhà hàng của gia đình là do tôi mở, chi phí sinh hoạt của ba mẹ đều là tôi lo.
Còn anh trai tôi, được tôi cho ngồi một chân “hữu danh vô thực” ở nhà hàng, mỗi tháng tôi phát 5 vạn tiêu vặt, chỉ để cho anh ấy có “mặt mũi” trước vợ mình.
Nên tôi cũng chẳng khách sáo nữa:
“Chị dâu à, chị không hiểu tiếng người sao? Mẹ đã nói rồi, nhà mình không keo kiệt, cần gì làm quá lên?”
“Nói một hồi lại chuyển qua việc tôi có người yêu hay không? Tôi ăn cơm nhà chị hay xài tiền nhà chị chắc? Ai cho chị quyền bình luận?”
Chị ta bị tôi nói cho tái cả mặt, cúi gằm đầu xuống.
“Là chị nhiều lời, chị là người ngoài, nói nhiều thì Toa Toa không thích nghe nữa rồi…”
Chị ta vừa khóc vừa “dạy đời” tôi:
“Nhưng Toa Toa à, lời thật thường mất lòng mà…”
Tôi suýt nữa cười khẩy thành tiếng.
Mẹ tôi thì không muốn gây to chuyện, kéo tay tôi lại, tiện tay đóng cửa sổ.
“Tiểu Ngọc à, Tết nhất rồi, đừng tranh cãi mấy chuyện nhỏ này. Nếu tiếc tiền thì thôi khỏi lau kính.”
Lúc nãy gió lùa mạnh, gầy yếu như chị ta còn suýt bị lật khỏi cửa, chắc cũng biết không dễ gì lau, nên nghe mẹ nói vậy thì cũng chịu thua, ngồi xuống ghế gặm hạt dưa.
Tôi tức lắm, bèn đi vào bếp xem ba tôi chuẩn bị món gì.
Ai ngờ chị ta cũng lẽo đẽo theo vào.
Sau đó bịt miệng thét lên:
“Trời ơi, mai mới là Trung thu, hôm nay chỉ ăn với người nhà thôi mà định làm cua hoàng đế với gan ngỗng á?”
2.
Tôi nghi hoặc liếc nhìn chị ta.
“Chứ không phải người nhà thì mới nên ăn ngon sao?”
Dù mai mới là rằm, nhưng hôm nay nhà hàng nhập được mớ cua hoàng đế và gan ngỗng tươi roi rói, tôi liền mang về thưởng thức.
Ba tôi đang rửa xửng hấp, cười hiền hậu:
“Tiểu Ngọc à, muốn ăn thì ăn, có sao đâu. Mai tính chuyện mai.”
Chị dâu lại rơm rớm nước mắt:
“Trời ơi ba ơi, nhà mình lúc nào cũng ăn uống xa hoa vậy hả?”
Ba tôi thấy chị ta lạ lạ, còn chưa kịp nói gì, đã thấy chị ta suýt khóc:
“Ba có biết không, con với anh Lý Phong ở nhà, mỗi bữa chỉ dám nấu một món rau thôi đó…”
“Con cứ tưởng ba mẹ là người lớn tuổi, chắc sẽ càng biết tiết kiệm hơn bọn trẻ, hóa ra con nghĩ sai rồi…”
Ba tôi đứng đơ người, quên luôn cái nồi đang cọ dở.
Tôi cố dằn cơn giận:
“Chị à, nhà mình bình thường đâu có ăn kiểu này hoài, là tại có lễ, cả nhà tụ họp đông đủ nên mới muốn ăn ngon tí thôi.”
“Với lại đồ này là hàng bên nhà hàng nhập về, giá sỉ, đâu có đắt như chị nghĩ.”
Chị dâu bĩu môi:
“Không đắt? Đứng nói cho sang miệng chứ, nó có rẻ bằng cà tím khoai tây không?”
Nói xong, chị ta vơ hết cua nhét lại vào thùng xốp, bỏ đá lạnh, dán băng keo, đem vô kho lạnh.
Rồi lại gom hết gan ngỗng, bào ngư và mấy món ngon khác tống vào tủ lạnh.
“Đồ ngon vậy ăn bữa cơm gia đình thì phí quá, mai có khách tới, để mai mới nấu.”
Tôi tức phát điên:
“Chu Tiểu Ngọc, chị bị gì vậy? Tôi nói bao nhiêu lần rồi, nhà mình không tiếc mấy đồng này! Mai có khách thì mai mua tiếp, mắc gì phải bòn từ miệng người nhà?!”
Tôi nhào tới mở tủ.
Chị dâu run rẩy môi, ôm chặt cánh cửa không buông.
Lúc đó, bên ngoài có tiếng quát:
“Toa Toa! Em quá đáng quá rồi, sao lại nói chuyện với chị dâu như vậy? Mau xin lỗi!”
Tôi ngẩng đầu nhìn.
Ồ, cái người anh trai vô dụng của tôi về rồi.
Chị dâu nhào vô lòng anh tôi, khóc như mưa:
“Chồng ơi, anh về rồi…”
Anh tôi cau mày hỏi tôi:
“Có chuyện gì vậy?”
Tôi hậm hực:
“Chuyện gì à? Vợ anh ấy, không chịu nổi sung sướng!”
Tôi kể lại đầu đuôi.
Anh tôi hơi lúng túng. Đang định khuyên vợ thì chị dâu giành trước:
“Toa Toa, anh trai em nể mặt không dám nói, nhưng chị dâu thì không thể chiều em mãi được. Em cũng lớn rồi, phải biết quý trọng tiền bạc của người nhà chứ?”
“Cứ sống kiểu tiêu xài phung phí này, sau này lấy chồng, nhà chồng sẽ nói em không biết tiết kiệm đâu. Vậy nên chị mới muốn dạy em cách sống tiết kiệm!”
Chị ta vừa gào vừa khóc, làm tôi nhức hết đầu.
Thêm cả ba tôi cứ đẩy tôi ra ngoài, nên tôi bỏ về phòng cho xong.
Một tiếng sau.
Mẹ tôi gọi ra ăn cơm.
Ngồi vào bàn, tôi ch .t sững…
3
Chỉ thấy trên bàn có bốn món ăn.
Dưa chuột trộn, cà chua xào trứng, cà tím kho.
Món mặn duy nhất là tôm luộc muối, mà tôm cũng là đồ để trong tủ lạnh từ hai tháng trước.
Thấy sắc mặt tôi không tốt, mẹ nhẹ nhàng vỗ tay tôi một cái.
Tôi trừng mắt nhìn chị dâu.
Chị dâu thì lại tỉnh bơ như không có gì xảy ra.
Anh tôi gắp cho chị ta một con tôm, chị dâu giả vờ né tránh, trước tiên gắp một miếng dưa chuột bỏ vào miệng.
“Thôi thôi, tôi ăn đồ chay được rồi, mấy con tôm để lại cho mọi người ăn.”
“Đừng có nhìn tôi nữa, mau ăn đi, tôi ăn đồ chay cũng chẳng sao, trong nhà phải có người chịu khổ chứ, không thì ai nấy đều tiêu xài phung phí, sớm muộn gì cũng phá sạch cái nhà này…”
Tôi thật sự là cạn lời hết chỗ nói luôn rồi.
Với tay một cái, tôi bê thẳng đĩa tôm qua, ngay cả con tôm trong bát chị dâu tôi cũng không bỏ qua.
Chia cho ba mẹ mỗi người mấy con, phần còn lại để hết trước mặt mình, ăn lấy ăn để.
“Chị dâu nói đúng đấy, trong nhà nhất định phải có người chịu khổ, đã vậy chị dâu chịu khổ rồi, thì tôi khỏi cần chịu nữa.”
Nói xong, tôi nâng ly rượu: “Kính chị một ly, người chị dâu biết ăn khổ của tôi.”
Chị dâu trợn mắt há mồm, quay sang cầu cứu anh tôi.
Anh tôi lại nhìn ba mẹ.
Nhưng ba mẹ giả vờ như không thấy, chỉ cắm cúi ăn tôm trong bát mình, ăn mà tốc độ khỏi chê luôn.
Ăn xong, mẹ tôi còn ân cần bảo chị dâu: “Tiểu Ngọc, đừng chỉ ăn dưa chuột, cà tím ba con làm ngon lắm, ăn nhiều chút đi.”
Chị dâu mắt ngân ngấn lệ, xúc ít cà tím trộn với cơm trắng, lặng lẽ ăn xong bữa.
Cơm nước xong, tôi chạy vào phòng mẹ.
Vừa bước vào là cười phá lên, mẹ khẽ đánh tôi một cái trách yêu: “Cũng quá lắm đấy, không để lại cho chị dâu con lấy một con tôm.”
Tôi ôm cánh tay mẹ nũng nịu: “Ba với mẹ chẳng phải cũng ăn nhanh lắm à?”
“Chị ta thích ăn khổ mà, khuyên bao nhiêu cũng không chịu nghe, con biết làm gì giờ.”
Mẹ tôi lại đẩy tôi ra.
“Ra chỗ khác đi, nóng muốn chết.”
Lúc này tôi mới phát hiện trong nhà tự dưng nóng hầm hập.
Ngôi nhà chúng tôi đang ở là tôi mới mua năm ngoái, lắp hẳn hệ thống điều hòa trung tâm.
Tôi nhón chân thử chỗ cửa gió.
Vậy mà không có lấy một làn gió.
Nhà lại đâu có cúp điện.
Tôi tưởng điều hòa hư, đi một vòng kiểm tra, phát hiện công tắc không biết bị ai tắt mất rồi.
Ngẩng đầu nhìn, thấy chị dâu chẳng biết moi ở đâu ra cái quạt máy, đang ngồi ở cửa sổ phòng khách, bật số lớn nhất, quay vù vù thổi lấy thổi để.
4
Tôi biết ngay chuyện này thể nào cũng dính đến chị ta.
Quả nhiên, vừa thấy tôi định bật điều hòa,
Chị dâu ôm một bát đầy đá chạy tới, nhét vội hai viên vào miệng, nói nhồm nhoàm ngăn tôi lại:
“Không được bật! Cái nhà to thế này mà bật điều hòa, mỗi ngày tốn hai chục tệ cũng không đủ!”
“Trời thế này đâu có gọi là nóng, người ở quê không có điều hòa cũng có chết nóng đâu, em đúng là bị ba mẹ chiều hư rồi, không chịu được chút khổ nào cả.”
Tôi đẩy mạnh chị ta ra.
“Lắc lại não cho tỉnh táo rồi hãy nói chuyện, chị tưởng tôi chưa nói bao nhiêu lần nhà này không thiếu mấy đồng tiền đó à? Cứ như không có ký ức luôn vậy?”
“Dạo này thời tiết bất thường, chị mở to con mắt chó của chị ra mà xem, ngoài trời hơn ba mươi độ C. Tiết kiệm được vài đồng tiền điện, đến lúc có người bị sốc nhiệt phải nằm viện thì tốn bao nhiêu tiền chữa trị, chị tính chưa?”
Nghe chúng tôi lại cãi nhau, ba mẹ với anh tôi đều chạy ra.
Chưa kịp để tôi mở miệng, chị dâu đã òa khóc.
“Tôi lo cho cái nhà này đến bạc đầu, mà chẳng ai biết ơn! Trong nhà rõ ràng có quạt, sao cứ nhất định phải bật điều hòa!”
Tôi cười lạnh:
“Đúng rồi, quạt tốt thế cơ mà, sao chị còn phải ăn đá lạnh? Quạt tốt thế, sao người ta còn phát minh ra điều hòa làm gì?”