Chương 1

Cập nhật: 1 tuần trước

1.

Yêu Tống Lộ Thành đến năm thứ 7, chúng tôi quyết định kết hôn.

Từ đồng phục đến áo cưới, tôi từng nghĩ chúng tôi sẽ còn chụp cả… ảnh thờ chung.

Nếu không phải hôm nay nổi hứng dọn nhà, vô tình tìm thấy hợp đồng mua nhà đứng tên anh ta, có lẽ tôi vẫn đang chìm trong mộng tưởng.

Rõ ràng hai đứa đã bàn, sẽ mua nhà sau khi đăng ký kết hôn.

Vậy mà bây giờ, anh ta đã lặng lẽ hoàn thành xong xuôi cả phần đặt cọc lẫn vay ngân hàng.

Khi về đến nhà, thấy tôi đang cầm bản hợp đồng ngẩn người, Tống Lộ Thành chỉ thoáng bối rối một chút, rồi lập tức tươi cười:

“Duyệt Duyệt, anh vốn định chờ kết hôn rồi nói với em, đây là quà cưới bố mẹ anh nhất định muốn tặng mình, bất ngờ chưa?”

Bất ngờ thật.

Thu nhập của Tống Lộ Thành một tháng là mười ngàn, tiền vay nhà đã chiếm chín ngàn.

Bàn tính cứ như hạt bàn tính đập thẳng vào mặt tôi.

Tôi vẫn cố gắng giữ hy vọng:

“Đã là quà cưới bố mẹ anh tặng thì tiền trả góp… chắc cũng do họ chi trả chứ?”

Dù sao thì khoản vay có 10 năm, bố mẹ anh nếu vì con cố thêm mười năm nữa cũng hợp lý.

Gương mặt anh cứng lại:

“Bố mẹ anh đã vét sạch tiền tiết kiệm cho phần đặt cọc rồi, còn phải vay mượn họ hàng hơn chục vạn nữa đấy!”

À, hiểu rồi.

Tôi hoàn toàn hết hy vọng.

Thật ra, đây không phải lần đầu bố mẹ Tống Lộ Thành tính toán với tôi.

2.

Tôi và anh là người Vân Thành, cùng học đại học ở địa phương, cũng học chung trường.

Yêu nhau từ năm hai, nên cả hai gia đình đều biết rõ.

Tốt nghiệp đại học, tôi dẫn anh về ra mắt, anh cũng đưa tôi về gặp gia đình mình.

Lúc đó, mẹ Tống rất “ngọt”.

Toàn lời hoa mỹ:

“Lộ Thành nhà bác tìm được đứa con gái vừa đẹp vừa ngoan như cháu là phúc ba đời đó.”

“Nó mà dám làm cháu giận, cháu cứ nói với bác, bác xử nó liền!”

“Bác không có con gái, sau này cháu cưới về là con gái bác, con ruột luôn ấy!”

Tôi lúc đó còn trẻ, tưởng bà ấy thật lòng.

Thế là lễ tết nào tôi cũng mua quà biếu.

Tất nhiên Tống Lộ Thành cũng mua quà cho ba mẹ tôi.

Cho đến nửa năm trước, khi chúng tôi bắt đầu bàn chuyện cưới xin, tôi mới phát hiện:

Mấy món quà đó, không bằng ném xuống nước cho nổi bong bóng.

Ở Vân Thành, tiền sính lễ không quá cao nhưng cũng chẳng ít, khoảng hơn mười vạn là chuẩn.

Tôi và Tống Lộ Thành đều là con một.

Ba mẹ tôi nói:

“Bên nhà trai đưa bao nhiêu sính lễ thì nhà gái sẽ đưa lại đúng số đó làm của hồi môn cho tụi con, xem như vun vén tổ ấm nhỏ.”

Nhưng khi hai bên gia đình gặp nhau bàn chuyện, mẹ Tống chẳng hề hỏi ý ba mẹ tôi trước.

Mở miệng là:

“Hai đứa yêu nhau đã bảy năm, cũng hợp nhau rồi. Tiền sính lễ tôi thấy cứ theo mức nhà người bà con năm ngoái cưới là được 11,000 tệ, ý nghĩa ‘muôn người chọn một’, thế nào?”

Bà ấy chắc quên mất, năm ngoái tôi và Tống Lộ Thành cũng đi dự đám cưới người họ hàng đó.

Sính lễ là 288,000.

Tiền đổi cách xưng hô là 20,000.

Lúc đó chính bà ta còn khoe ầm lên:

“Nhìn tiền sính lễ là biết nhà trai có coi trọng con gái nhà mình hay không!”

Ngụ ý rõ ràng: con gái nhà người ta cưới được tốt vì được trân trọng.

Giờ quay sang tôi thì chỉ đưa 11,000?

Tôi đã rất khó chịu, nhưng bà ta khéo mồm quá, tôi không thể vạch trần ngay lúc ấy.

Ba mẹ tôi tuy không hài lòng, nhưng vẫn giữ thể diện:

“Nhà chị đưa 11,000 thì nhà tôi cũng đưa lại 11,000 làm của hồi môn, đều là muôn người chọn một.”

Sau buổi gặp mặt, vừa về đến nhà, mẹ tôi liền nói:

“Cái bà mẹ chồng kia, đầu óc tính toán từng ly từng tí. Con cứ từ từ quan sát đã, nếu tính cách bà ấy không ổn thì sau này con về làm dâu cũng chẳng yên đâu. Không thì con tìm cớ cãi nhau rồi chia tay luôn cho rồi.”

Ba tôi gật đầu phụ họa:

“Đúng đó. Chúng ta không phải ép con chia tay, cũng chẳng phải phá hoại. Nhưng thật ra, nếu nhà họ định chỉ đưa 11,000 thật, thì mình cũng đỡ tốn mười mấy vạn tiền hồi môn. Chẳng ai định bán con cả đâu.”

3

Sau khi bàn chuyện với ba mẹ tôi xong, tôi hỏi Tống Lộ Thành:

“Mẹ anh nói vậy là có ý gì? Ai mà chẳng biết nhà họ hàng bà ấy đưa sính lễ bao nhiêu.”

Tống Lộ Thành bảo, anh cũng không hiểu sao mẹ lại đột nhiên đổi ý như vậy.

Nhưng anh đảm bảo, sính lễ tuyệt đối sẽ không dưới một trăm sáu mươi tám ngàn.

Dù nhà anh không đưa được, anh sẽ lấy toàn bộ tiền tiết kiệm đi làm mấy năm nay ra, rồi vay bạn bè thêm một ít, cũng không để tôi phải nhận về một vạn một.

Anh thật sự đưa cả thẻ ngân hàng cho tôi, nói:

“Tiền đổi cách xưng hô là một vạn một, mang ý nghĩa ‘muôn người chọn một’, cũng được mà.”

Khi ấy tôi nghĩ, cũng tạm ổn. Tôi cưới Tống Lộ Thành, chứ có cưới mẹ anh đâu.

Sính lễ chỉ là để nhìn rõ bộ mặt mẹ chồng, sau này bớt qua lại thì cũng chẳng xảy ra mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu.

Vả lại tôi với Tống Lộ Thành cũng đã lên kế hoạch, sau khi cưới sẽ tự mua nhà, không ở chung với bên nào cả.

Tôi về kể lại lời anh cho ba mẹ nghe.

Ba mẹ tôi vẫn không vui.

Mẹ tôi nói:

“Duyệt Duyệt, hôn nhân không chỉ là chuyện của hai đứa, mà là chuyện của hai gia đình. Chỉ cần một người trong nhà họ muốn giở trò, sau này vợ chồng con cũng không yên đâu.”

Ba tôi nghe vậy như bị chạm đúng chỗ đau, không nói gì.

Tôi thì hiểu, trước khi bà nội tôi mất, mẹ tôi và bà ấy cãi nhau không ít lần.

Nói thẳng ra thì, ba tôi ngày xưa cũng có hơi “con cưng của mẹ”.

Sau này nghe nói là khi mẹ tôi bắt ba chọn giữa vợ con và cha mẹ, bà nội lại xúi ba tôi bỏ vợ bỏ con đi ly hôn, khi đó ba tôi mới tỉnh ngộ.

Nên lần này khi mẹ tôi nói xong, tuy ông không lên tiếng, nhưng nhìn ra được, ông cũng ủng hộ tôi kiếm cái cớ nào đó mà chia tay Tống Lộ Thành đi.

Nhưng tôi không chia.

Tôi lì, tôi không nỡ, tôi ngu ngốc.

Tôi nghĩ đến chuyện tôi với Tống Lộ Thành đã đi cùng nhau suốt bảy năm, từ những năm tháng ngây ngô, cho đến nay sắp bước sang tuổi trung niên.

Chẳng lẽ vì một khoản sính lễ mà phải chia tay, vậy thì có lỗi với bảy năm đó quá.

Trước khi hai đứa bắt đầu bàn chuyện cưới xin, Tống Lộ Thành đúng là một người bạn trai tiêu chuẩn.

Tôi bị dì ghé nhắc không được uống nước lạnh, anh theo sát như giám sát viên.

Tôi đi công tác, bất kể sớm hay muộn, anh đều đến đón đưa.

Nửa đêm tôi thèm ăn đồ nướng ở tận phía nam thành phố, giữa mùa đông rét mướt, anh vẫn không than phiền mà chui ra khỏi chăn đi cùng tôi.

Tất nhiên, cũng có lúc cãi nhau, nhưng rồi cũng nhanh chóng làm lành.

Tính ra, tôi với anh đúng là môn đăng hộ đối.

Cả hai đều là dân lao động lương tháng, cha mẹ chẳng có gì nổi bật, cùng nhau làm “cá mắm” ở cái thành phố tuyến bốn tuyến năm này, chẳng ai cưới ai vì hám danh lợi hay vì môn hộ.

Vì vậy, tôi đã nói chuyện thẳng thắn với ba tôi một lần.

Tôi hỏi:

“Ba từng là một người ‘con cưng của mẹ’, vậy ba thấy Tống Lộ Thành có đáng để cưới không?”

Tôi với ba mẹ thân thiết lắm, đôi khi vui miệng còn gọi ba là “lão Tần” cho đỡ nghiêm túc.

Ba tôi im lặng rất lâu, mới nói:

“Nếu con thật sự thích nó, thì cưới cũng được. Ba mẹ sẽ lo cho con, ai bảo con là bảo bối duy nhất của ba mẹ chứ. Nhưng con phải nghĩ kỹ, nếu nó thật sự không phân biệt được phải trái sau khi cưới, con sẽ bị ép từ một cô gái đáng yêu thành một người đàn bà chua ngoa đó.”

Ông còn nói:

“Không phải đùa đâu, mẹ con trước khi cưới ba, nổi tiếng là dịu dàng lắm đấy.”

4

Thật lòng mà nói, lúc đó tôi cứ tưởng ba tôi chỉ đang nói đùa.

Dù sao thì bây giờ mẹ tôi cũng rất dịu dàng.

Nhưng khi tôi nhìn tờ hợp đồng mua nhà kia, nghe những lời Tống Lộ Thành nói ra để ngấm ngầm bênh vực cha mẹ anh ta, cơn giận trên trán tôi không sao đè xuống được, lúc ấy tôi mới hiểu: ba tôi không hề đùa.

Tôi lúc này chỉ cách ranh giới giữa một cô gái đáng yêu và một bà điên chửi tục đúng một câu “m* kiếp” hoặc “đồ chó má”.

Mà Tống Lộ Thành, ngay trong thời điểm tôi sắp bùng cháy thành “một bà điên chửi tục”, lại còn nói:

“Duyệt Duyệt, mẹ anh bảo đây là phần bù đắp cho em vì không đưa đủ sính lễ.”

Tôi: “???”

Tôi cố kiềm chế, hỏi lại:

“Anh trả góp mỗi tháng chín ngàn, vậy sau khi cưới, chi tiêu hàng ngày tính sao?”

Vân Thành tuy không phải thành phố tuyến một, nhưng tiêu dùng cũng chẳng rẻ.

Một tháng chỉ còn lại một ngàn, đừng nói đến xã giao, ăn thịt còn phải đắn đo.

Tôi thật sự tò mò không hiểu sao anh ta lại có gan to đến mức này, dám để lại cho mình mỗi tháng đúng một ngàn đồng sinh hoạt.

Tống Lộ Thành nhìn tôi, nói:

“Duyệt Duyệt, sau khi cưới, căn nhà này cũng là của em mà.”

Tôi hừ một tiếng.

Nếu thật sự là của tôi, cần gì phải giấu giếm? Không cần thêm tên tôi vào sổ đỏ à?

Tôi hít một hơi thật sâu, lại hỏi tiếp:

“Ý anh là sau khi cưới, tiền lương của anh trả nợ nhà, còn tiền lương của tôi lo sinh hoạt hàng ngày của hai đứa?”

Tống Lộ Thành thăm dò:

“Duyệt Duyệt… chắc em không ý kiến gì chứ?”

Ý cái đầu nhà anh.

Tôi trẻ chứ tôi không ngu.

“Tống Lộ Thành, là tôi cho anh mặt mũi quá rồi nên anh tưởng tôi ngu, hay anh xưa nay vốn ảo tưởng đến mức đó? Cưới xong, tiền anh lo cho tài sản trước hôn nhân của anh, còn tiền tôi lo cho cuộc sống chung của hai đứa?”

Tôi gắng lắm mới không chửi thề ngay, nói:

“Nói khó nghe thì sau này nếu không sống nổi phải ly hôn, tài sản của anh vẫn là của anh, còn những gì tôi chi ra đều trở thành của anh. Mặt anh to đến mức nào mà nghĩ tôi không có ý kiến?”

Tống Lộ Thành vẫn cố nói:

“Duyệt Duyệt, ai cưới nhau lại nhắm đến chuyện ly hôn đâu, mình còn chưa cưới mà em đã nghĩ đến chuyện chia tay rồi.”

Tôi thật sự không nhịn nổi nữa, bật cười thành tiếng.

Phải, đúng là chẳng ai cưới nhau để ly hôn.

Nhưng cũng không ai cưới nhau để bị tính toán tài sản như tôi đang bị tính toán thế này, đồ cáo già.

Tống Lộ Thành vẫn cố cãi:

“Chẳng phải là bố mẹ anh một lòng tốt bụng, muốn mua nhà cho tụi mình sao? Sao đến miệng em lại thành tính toán được chứ?”

Tôi nhìn anh ta. Trong khoảnh khắc ấy, khuôn mặt tôi từng yêu suốt bảy năm, bỗng trở nên xa lạ đến không nhận ra.