Chương 1
Cập nhật: 1 tuần trước
1.
Trên sân huấn luyện, vừa nghe hiệu lệnh giải tán, cả đội hình lập tức ngồi bệt xuống đất.
Người thì đấm chân, người thì xoa lưng.
Đứng nghiêm suốt cả buổi sáng, ai nấy đều mệt rã rời như chó lết về chuồng.
Tôi nhờ có chiều cao nổi trội nên được xếp đứng ở hàng cuối cùng, ngay góc có bóng râm.
Đám bạn trêu tôi là “con cưng của ông trời”, khỏi phải phơi nắng 38 độ như tụi nó.
Tôi gãi đầu cười trừ, đứng một mình trong bóng râm cũng hơi ngại thật.
Nghĩ bụng muốn xoa dịu chút sự bất mãn trong lòng mọi người, tiện thể kết thân, tôi quyết định tự bỏ tiền mua coca lạnh mời cả đội uống.
Tôi ôm nguyên một thùng coca lạnh bước đến trước đội hình, ai cũng sáng bừng mắt.
Chẳng mấy chốc, lon coca trong thùng gần như bị lấy hết sạch.
Dù khát thật nhưng không ai vội uống, đợi tất cả đều có rồi mới hô “cụng ly”.
Tôi cúi xuống lấy phần của mình thì thấy còn đúng hai lon.
Tôi đã tính kỹ mỗi người một lon, không thiếu không thừa.
Tôi cầm hai lon còn lại lên, hỏi ai chưa lấy.
Đúng lúc ấy, một cô bạn da ngăm gầy gò len lỏi tiến lên.
Cô ta đảo mắt nhìn từng người, cuối cùng dừng ánh mắt ở tôi.
Thấy tay cô ta trống không, tôi cười đưa lon coca cho.
“Bạn chưa lấy đúng không? Lon này lạnh hơn nè, cầm đi.”
Cô ta nhìn lon coca, không nhận.
Tôi tưởng cô ấy đến kỳ, không uống lạnh được, vừa định nói sẽ đi đổi lon coca thường cho, thì…
Cô ta mở lời trước.
Và tôi không ngờ rằng, lòng tốt của mình lại bị người khác tạt cho một gáo nước lạnh ngay trước mặt bao người.
“Như Như, tôi biết bạn có điều kiện, nhưng tiền bác bạn đâu phải từ trên trời rơi xuống. Bạn nên hiểu chuyện, đừng tiêu xài như vậy.”
“Huống chi huấn luyện quân sự là để rèn luyện ý chí, hành động của bạn đang làm loạn kỷ luật.”
2.
Nói thật, tôi có chút choáng.
Mới ngày đầu nhập học, ai cũng xa lạ với nhau.
Sao cô ta biết tên tôi?
Chưa kịp hỏi thì cô ta tự giới thiệu luôn.
“Tôi là Trương Phan Phan, đến từ một thị trấn nghèo, không giống như các bạn gái được nuông chiều từ nhỏ. Tôi là kiểu học sinh chỉ biết học ở quê. Tôi hiểu rõ mục tiêu của trường khi tổ chức quân sự là rèn luyện khả năng chịu khổ của sinh viên.”
“Hôm nay mới là ngày đầu, đứng có một buổi sáng thôi mà đã kêu khổ, đòi uống nước lạnh. Vậy nông dân cày giữa nắng to ngoài ruộng sao họ không than vãn như mấy người? Các người quá yếu đuối, không biết kiếm tiền vất vả cỡ nào đâu.”
Cái tên Trương Phan Phan nghe quen quen.
Tôi nhìn chằm chằm cô ta một lúc, cuối cùng cũng nhớ ra, cô này chính là người được ba tôi tài trợ.
Trước nhập học, ba còn dặn tôi chăm sóc cho bạn ấy, vì hai đứa học cùng trường.
Sau bài diễn văn đầy chính nghĩa đó, mấy bạn đều cắm mặt nhìn lon coca trên tay.
Muốn uống, mà cũng ngại.
Tôi thì hơi ngượng.
Công bằng mà nói, cô ta nói không phải không có lý.
So với người làm ruộng, huấn luyện buổi sáng của tụi tôi chẳng thấm vào đâu.
Nhưng tôi nghĩ, nếu có điều kiện tránh khổ thì tại sao không? Sao phải cố chịu như người khác?
Mỗi người sống trong một hoàn cảnh khác nhau.
Chúng ta không phủ nhận khổ cực, nhưng cũng không cần tôn thờ nó.
“Tình huống mỗi người không giống nhau, đừng vơ đũa cả nắm. Cậu xem mấy đội khác có người còn bị say nắng rồi. Tránh được thì cứ tránh thôi.”
Tôi mở nắp lon, ra hiệu cho mọi người đừng cảm thấy áy náy.
Giáo quan đâu có cấm uống nước?
Tôi vừa đưa lon lên miệng, Trương Phan Phan bất ngờ giật phắt khỏi tay tôi.
Vặn nắp lại, ném vào thùng.
Cô ta dõng dạc tuyên bố:
“Lúc bạn đi mua nước, giáo quan đã chỉ định tôi làm lớp trưởng đội hình này. Từ giờ, lúc giáo quan nghỉ, tất cả phải nghe theo tôi, kể cả việc khi nào được uống nước, khi nào được đi vệ sinh.”
3
Tôi sững người.
Trong lòng lập tức dâng lên một cơn tức.
Tôi đè nén sự khó chịu, quay sang hỏi mấy bạn xung quanh có chuyện đó thật không.
Mấy bạn nữ bên cạnh gật đầu.
Ai cũng thấy vô lý, nhưng lại nghĩ Trương Phan Phan vừa được giáo quan chỉ định làm lớp trưởng.
Phản bác cô ta chẳng khác nào tát vào mặt giáo quan.
Thế là mọi người đều chọn cách nhịn.
Trương Phan Phan thấy không ai cãi lại mình, bèn hắng giọng, lớn tiếng để cả đội hình đều nghe thấy:
“Ngay từ hôm nay, lúc nghỉ giải lao, không ai được tự ý rời khỏi đội hình. Đi vệ sinh thì từng người một, người trước về rồi người sau mới được đi. Uống nước thì chỉ được uống nước lọc mang theo. Trong thời gian huấn luyện quân sự, tuyệt đối không được mua nước ở căn tin trường. Ai khát thì tự mang bình nước theo.”
“Tôi biết trong lòng mấy bạn chắc chắn thấy khó chịu, nhưng làm vậy là để rèn luyện ý chí. Huấn luyện quân sự chỉ kéo dài hai tuần, cố gắng vượt qua, tôi tin đội hình của tụi mình sẽ là tốt nhất toàn trường! Nếu chút khổ này còn chịu không nổi, sau này ra trường cũng chỉ là đám ăn bám bị người ta khinh thường thôi!”
Không biết ai đó trong đội hình lầm bầm một câu:
“Ba má tôi chịu cho tôi ăn bám, nhà tôi có tiền, mắc gì không được bám?”
Trương Phan Phan nghe thấy, lập tức chen vào đội hình, đi thẳng đến chỗ cô gái đó.
Đứng trước mặt người ta là bắt đầu giảng đạo.
“Kiểu suy nghĩ của bạn đúng là kiểu hút máu. Ba má bạn đã sinh bạn ra đời là ban ơn cho bạn rồi, vậy mà bạn còn muốn bám họ, bạn không thấy ngại à?”
“Tôi nhìn bạn trắng trẻo thế kia, nhìn phát là biết chưa từng chịu khổ. Bắt đầu từ bây giờ, bạn ra đứng ngoài đội hình tự luyện riêng đi. Cho biết cảm giác khổ là như thế nào.”
Cô gái kia bị Trương Phan Phan chặn họng không nói được gì.
Cô ấy định phản bác, ai ngờ đúng lúc giáo quan đến.
Trương Phan Phan liền xuyên tạc sự việc, bảo cô ấy không phục chuyện mình được làm lớp trưởng.
Mà chuyện chọn lớp trưởng lại là quyết định đầu tiên của giáo quan, giờ chưa tới mười phút đã bị học sinh phản đối, ông ấy tức đến bốc hỏa.
Chỉ tay vào cô gái đó, giáo quan kéo cô ấy ra khỏi hàng.
Nguyên cả buổi sáng, cô ấy phải đứng nghiêm một mình ngoài đội hình.
Tụi tôi đang tập, cô ấy đứng.
Tụi tôi nghỉ, cô ấy vẫn đứng.
Tôi thấy ấm ức.
Chuyện từ lon coca tôi mời mà ra, sao Trương Phan Phan không nói tôi, lại đẩy một người chẳng liên quan ra làm bia đỡ?
Tôi chủ động hô “báo cáo”, kể lại toàn bộ sự việc với giáo quan từ đầu tới cuối.
Cuối cùng, giáo quan miễn trách cho cô gái đó, còn cho cô ấy về ký túc nghỉ ngơi sớm.
Số coca tôi mua, sau khi được giáo quan đồng ý, cũng được phát cho cả đội như dự tính.
Dù không còn mát lạnh nữa, nhưng ai cũng vui.
Tiếng xì của nước có ga lúc mở nắp luôn khiến mùa hè trở nên đáng nhớ hơn.
Tôi cứ tưởng Trương Phan Phan sẽ kiên định với nguyên tắc chịu khổ của mình, nhất quyết không đụng đến lon coca tôi mua.
Ai ngờ cô ta lại không như vậy.
Khi mọi người cầm lon coca quay lại chỗ ngồi, Trương Phan Phan lặng lẽ bước tới chỗ thùng giấy, lấy đi lon cuối cùng.
Lúc cô ta xoay người cầm lon coca cũng là lúc tôi ngẩng đầu lên.
Ánh mắt hai đứa chạm nhau.
Lúc đó tôi vốn không nghĩ gì, chỉ thấy có chút buồn cười.
Tôi cũng chẳng nói gì thêm.
Ngược lại, Trương Phan Phan lại bày ra vẻ trịch thượng, nhìn tôi nói:
“Tôi thấy lon coca này không ai lấy, để đó cũng phí. Tôi không như mấy người, gia đình dư dả. Một lon coca ba ngàn rưỡi đối với mấy người chẳng là gì, nhưng với tôi, từng đồng đều rất quý giá.”
Nghe vậy là tôi thấy không ổn rồi.
Ban đầu tôi nghĩ tụi tôi là bạn học, ai cũng có chút cá tính riêng.
Trương Phan Phan nghèo, tiết kiệm hơn cũng là chuyện thường.
Nhưng sao mỗi lần mở miệng, cô ta đều phải lôi cái câu “tôi không như mấy người, gia đình dư dả” ra mở đầu?
Nghe thế thì ai mà chịu được?
Nhà tôi có tiền, chẳng lẽ lại là cái tội?
Đây không còn là kiểu tư duy chịu khổ nữa rồi, mà là hận người giàu.
Tôi đứng dậy bước đến chỗ cô ta.
Ngay lúc cô ta định mở nắp, tôi giật lon coca khỏi tay cô ta, đặt trở lại thùng giấy.
Trương Phan Phan cau mày nhìn tôi.
Tôi mỉm cười nhạt, giọng bình thản:
“Ba ngàn rưỡi đúng là chẳng đáng là bao với tôi. Nó không làm tôi nghèo đi, cũng chẳng khiến bạn giàu lên. Nhưng hiện tại tôi không muốn bạn uống lon nước mà tôi đã bỏ ba ngàn rưỡi ra mua. Nếu bạn đã coi thường cái kiểu sống hoang phí của tụi tôi, thì cũng đừng ép bản thân tiết kiệm giùm tôi. Với lại, bác chủ căn tin nói rồi, nước chưa mở nắp có thể trả lại được. Yên tâm đi, tôi sẽ không lãng phí một đồng nào hết. Tí nữa tôi mang đi trả.”
Khóe miệng Trương Phan Phan giật giật, muốn cãi lại.
Nhưng tôi nói vậy chẳng phải đúng với quan điểm của cô ta sao?
Tôi không nghĩ ra nổi Trương Phan Phan sẽ phản bác thế nào.
Ai ngờ, thực tế lại cho tôi thấy — tôi đã đánh giá thấp sự cố chấp của cô ta.
4
Mắt Trương Phan Phan lập tức đỏ hoe.
Tôi vừa xoay người định quay lại đội hình, giọng cô ta đã vang lên sau lưng, nghèn nghẹn như sắp khóc:
“Như Như, tôi biết mấy người giàu các bạn luôn khinh thường tụi nghèo bọn tôi, nhưng bạn không cần phải làm nhục tôi trước mặt mọi người như vậy. Tôi cũng đã nói rồi, tôi không phải quá thèm coca của bạn, chỉ là thấy để đấy thì phí. Nếu biết có thể trả lại được, tôi đã chẳng buồn liếc nhìn lấy một cái! Chú của bạn bắt đầu tài trợ cho tôi từ hồi cấp ba đến tận khi tôi đậu đại học, tôi rất biết ơn gia đình bạn đã giúp đỡ tôi. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có quyền sỉ nhục tôi.”
Một tràng dài như thế lại khiến tôi bật cười.
Tôi sỉ nhục cô ta lúc nào?
Không phải từ đầu đến cuối đều là cô ta tự kiếm chuyện sao?
Tôi vốn chẳng muốn đôi co với một người cố chấp như Trương Phan Phan, nhưng lúc này tôi thật sự không muốn để cô ta tiếp tục “bòn rút” tôi thêm đồng nào nữa.
Dưới ánh nhìn đỏ hoe của cô ta, tôi đem lon coca trong thùng đưa cho cô lao công đang quét sân tập.
Trương Phan Phan nhìn chằm chằm lon coca bị cô lao công vặn nắp ra, nuốt khan một cái.
Cuối cùng chỉ đành trong ánh mắt bất lực của mọi người, quay người trở lại chỗ ngồi của mình.
Vừa ôm cái bình nước đã uống cạn từ đời nào, vừa lén lau nước mắt.
Nếu tôi nhớ không lầm thì cái bình nước đó cũng là nhà tôi mua cho cô ta.
Ba tôi là người nặng tình nghĩa. Ông đã tài trợ cho Trương Phan Phan gần bốn năm, dù ít khi gặp mặt, nhưng hay nhắc về cô ta.
Ông nghĩ một cô gái nhỏ như vậy, một mình đến thành phố lớn học hành chẳng dễ dàng gì, điều kiện gia đình lại không tốt, chắc chắn không nỡ tiêu xài. Hơn nữa, ba tôi quý người có chí, mà Trương Phan Phan dù xuất thân nghèo khó nhưng những năm được tài trợ, thành tích học tập của cô ta đúng là ngày càng tiến bộ rõ rệt.
Cô ta có sự kiên trì hiếm thấy trong học hành, điều đó càng khiến ba tôi thêm quý trọng cô gái mạnh mẽ này.
Thế nên trước khi nhập học, ba còn dặn tôi đi siêu thị mua ít đồ dùng sinh hoạt gửi cho Trương Phan Phan.
Trước kia, tôi cũng nghĩ giống ba mình, cảm thấy Trương Phan Phan thật sự không dễ dàng, giúp được gì thì nên giúp.
Nhưng bây giờ thì tôi không nghĩ vậy nữa.
Nếu cô ta thật sự yêu thích chịu khổ đến thế, sao cứ cách vài hôm lại gọi điện cho nhà tôi, nói tiền sinh hoạt không đủ?
Một người thích “lấy khổ làm vui” và tự trọng ngút trời như cô ta, chẳng phải nên từ chối tất cả những khoản trợ giúp ngoài học phí hay sao?