Chương 1

Cập nhật: 3 tháng trước

1

Năm ta gả cho Bạch Dực, hắn chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi.

Đêm động phòng hoa chúc, khi hắn vén khăn voan đỏ lên, điều hắn nhìn thấy chính là một gương mặt mỉm cười bình thản.

Bạch Dực rất thích ta.

Ta biết tiến biết lùi, không kiêu ngạo, cũng không tự ti.

Là hoàng đế của Chiêu quốc, hắn sủng ái ta đến mức ai ai cũng biết, đến cả huynh trưởng của ta cũng rất hài lòng về hắn.

Cho đến khi hắn phát hiện, ta có một người trong lòng.

Hôm đó, hắn nổi trận lôi đình.

Trên bàn đá ở thủy đình, ta xếp ngay ngắn mấy bình rượu ngon, nhưng tất cả đều bị hắn đập nát.

Đám cung nhân quỳ rạp dưới đất, run rẩy không dám thở mạnh.

Chỉ có ta vẫn ngồi ngay ngắn bên cạnh, giống hệt như đêm tân hôn năm ấy.

Không kiêu ngạo, không bi thương, cũng chẳng vui mừng, chỉ có chút tiếc nuối vì mất đi vài bình rượu ngon.

Nhìn thái độ của ta, hắn cau mày, ngạc nhiên trước vẻ thản nhiên của ta.

“Hắn là ai?”

Ta không đáp, vẫn giữ nụ cười điềm đạm.

Trong cơn hỗn loạn, hoàng đế cúi đầu nhìn ta, ánh mắt dán chặt, như thể lần đầu tiên thật sự nhận ra ta.

Hắn cẩn thận quan sát, còn ta chỉ lặng lẽ để mặc hắn nhìn, không hề nao núng.

Tâm ta như nước chết trong giếng sâu, không một gợn sóng.

Hoàng đế cũng không khuấy động nổi.

“Nếu ngươi không nói, trẫm sẽ lấy tội khi quân xử ngươi, tru di cửu tộc.”

Hắn đe dọa ta.

Hiếm khi ta ngẩng đầu nhìn hắn, trong mắt tràn đầy ý cười.

“Được thôi, cầu còn không được.”

Hắn kinh hoàng lùi lại hai bước, run run chỉ vào ta.

“Ngươi điên rồi! Các ngươi, cả nhà Giang gia đều là một lũ điên!”

Bình thường ta không xem trọng hắn, nhưng lần này, ta hoàn toàn đồng tình.

Hắn dường như phát điên, nhất quyết phải tìm ra người trong lòng của ta.

“Trẫm biết là ai rồi, là phế thái tử! Nhất định là hắn! Trước kia ngươi đã có hôn ước với hắn!”

Hắn quả quyết nói.

Phế thái tử ư?

Ta chợt nhớ ra.

Đúng vậy, ta từng có một hôn ước với hắn.

2

Phụ thân nói với ta, ta sinh ra là để làm hoàng hậu.

Thái tử của Đại Chiêu có thể thay đổi, thiên tử có thể thay đổi.

Nhưng hoàng hậu của Đại Chiêu thì không thể thay đổi.

Phế thái tử lớn hơn ta mười hai tuổi, lần đầu tiên gặp hắn, ta gọi hắn là “thúc thúc”.

Lúc đó ta mới tám tuổi.

Vị cung nữ quản sự dắt tay ta nói với ta rằng hắn là thái tử mới được sắc phong của bệ hạ, cũng chính là phu quân tương lai của ta.

Ta không hiểu “phu quân” là gì, chỉ thấy hắn có vẻ rất khó gần.

Hắn khoác trên mình bộ triều phục đen thêu hình giao long bằng chỉ bạc, vô cùng uy phong lẫm liệt.

Khi nhìn ta, ánh mắt hắn như có lưỡi dao sắc bén đâm thẳng vào người.

Mãi về sau ta mới hiểu, đó là cảm giác nhục nhã.

Số lần ta gặp hắn không nhiều, chỉ vào mồng một và ngày rằm mỗi tháng, hắn sẽ đón ta vào Đông cung, dạy ta viết chữ, kiểm tra tập luyện thư pháp của ta.

Thái tử bái danh gia thư pháp đương thời – Hứa Tử Hề làm thầy. Phụ thân dặn ta phải chăm chỉ học tập từ thái tử.

Ta không hiểu, tại sao ta không thể trực tiếp theo học vị đại sư họ Hứa kia.

Ta không hiểu, nhưng cũng không dám hỏi.

Thậm chí ta còn không biết tại sao mình không dám hỏi, dường như từ trước đến nay vẫn luôn như vậy.

Phụ thân nói một là một, trong nhà không có ai dám phản bác.

Lúc đầu, thái tử rất không muốn để ý đến ta.

Trước mặt người ngoài, hắn đối với ta vẫn khách sáo lễ độ.

Nhưng khi không có ai, hắn liền ném ta cho thư đồng của hắn, còn bản thân thì chạy đi tìm vị cung nữ xinh đẹp trong Đông cung.

Ta cũng từng gặp vị tỷ tỷ ấy, nàng thích mặc áo lụa mộc sắc, đôi mắt đen trắng rõ ràng, lúc cười ánh mắt như chứa đầy sóng nước lấp lánh.

Nàng giúp thái tử mài mực, khi nhìn ta, nụ cười vẫn không đổi.

Khi thái tử đối xử lạnh nhạt với ta, nàng sẽ nói: “Thái tử phi còn nhỏ như vậy, cái gì cũng không hiểu, người dọa nàng sợ mất thôi.”

Có nàng bên cạnh, thái tử dường như cũng không còn hung dữ như trước nữa.

Lúc không có ai, hắn không còn nói những lời lạnh nhạt với ta nữa, đôi khi còn đặt biệt danh cho ta, hắn gọi ta là “tam thốn đinh”.

Mỗi lần như vậy, Hứa Hoán Chi sẽ nhíu mày, bởi vì hắn biết, ngay khoảnh khắc sau, thái tử sẽ bóp má hắn, rồi cũng gọi hắn là “tam thốn đinh”.

Hứa Hoán Chi chính là thư đồng của thái tử, hắn lớn hơn ta một tuổi, nhưng cũng là một “tam thốn đinh”.

Mỗi lần bị thái tử gọi như vậy, hắn luôn nghiêm túc nhấn mạnh: “A nương nói, nam hài tử trưởng thành chậm một chút mới tốt, ta không phải tam thốn đinh.”

Mỗi lần hắn phồng má lên cãi lại, ta đều lén nhìn chiều cao của hắn.

Lúc này, hắn luôn rất nhạy bén bắt được ánh mắt ta, bực bội né tránh bàn tay của thái tử, mặt đỏ bừng nhưng vẫn cố tỏ ra già dặn mà nói: “Thái tử phi, người viết sai chữ rồi, chữ ‘Dao’ phải thêm một nét phẩy nữa.”

“Ta viết theo ngươi mà, vậy ngươi cũng sai rồi.” Ta cãi lại đầy lý lẽ.

Hứa Hoán Chi là tôn tử của đại sư thư pháp Hứa Tử Hề, hắn có thể trở thành thư đồng của thái tử ở tuổi này, hoàn toàn là nhờ thiên phú xuất sắc.

Hứa Tử Hề từng nói nhiều lần, sau này nhất định cháu trai của ông sẽ vượt xa ông về thư pháp.

Danh nghĩa là ta học thư pháp cùng thái tử, nhưng thực tế, toàn bộ đều do Hứa Hoán Chi chỉ dạy.

Nghe ta nói xong, hắn đáp: “Thần kiêng húy mẫu thân, nên không viết đủ nét, thái tử phi không cần bắt chước.”

Nhưng ta vẫn cứ viết như vậy, ta thử sửa lại, nhưng luôn cảm thấy chữ “Dao” không nên có thêm nét phẩy đó.

3

Ngày tháng cứ thế trôi qua, xuân tàn thu đến.

Năm ta mười bốn tuổi, phụ thân ra lệnh bắt đầu chuẩn bị đại hôn và lễ cập kê của ta.

Từ đó, ta không còn thấy vị cung nữ xinh đẹp từng giúp thái tử mài mực nữa.

Không ai nói cho ta biết nàng đã đi đâu.

Khi ta hỏi đến, ai nấy đều lộ vẻ kín đáo, không dám nói nhiều.

Ta hỏi Hứa Hoán Chi, hắn nói với ta.

“A Ngọc bị đánh chết rồi, lúc chết trong bụng vẫn còn một thai nhi chưa thành hình.”

Thái tử như thể trong chớp mắt đã bị rút cạn máu thịt, sắc mặt trắng bệch, trên gương mặt là một khoảng trống vô hồn.

Lúc ta và Hứa Hoán Chi luyện chữ trong thư phòng, không ai dám nói lời nào.

Gió nhẹ lật qua từng trang giấy, mùi mực thoang thoảng trong không gian, chỉ còn lại tiếng bút lông cọ lên tờ giấy tuyên.

Tiếng động khàn khàn, trầm thấp như tiếng ai đang thổn thức.

Thái tử nói muốn nói chuyện riêng với ta, hắn ra lệnh cho Hứa Hoán Chi lui xuống.

Ta dõi theo bóng lưng Hứa Hoán Chi rời đi, trong lòng bỗng dâng lên một cơn căng thẳng vô cớ.

Thái tử nhìn ra được sự căng thẳng của ta.

Hắn nói: “Ngươi biết không, lúc đầu ta vô cùng ghét ngươi.”

Cảm ơn, ta lại càng căng thẳng hơn.

Hắn tiếp tục: “Đường đường là thái tử Đông cung, đến tuổi đội mũ (tức tuổi trưởng thành của nam nhân), vậy mà lại phải đính hôn với một thái tử phi mới tám tuổi. Đáng giận hơn là, ngươi còn chẳng hiểu gì cả.”

Nói xong, hắn như cười, nhưng nụ cười ấy còn khó coi hơn cả khóc.

“Nhưng đúng như A Ngọc đã nói, ngươi cái gì cũng không hiểu, vậy thì có lỗi gì chứ?”

Hắn đưa tay ôm mặt, dường như vô cùng đau khổ, tâm trạng dao động mấy lần rồi mới dần ổn định lại.

“Ngươi là một đứa trẻ ngoan, ngươi không có lỗi gì cả. Sau khi thành thân, ta sẽ đối xử tốt với ngươi, tôn trọng lẫn nhau, đàn hòa sáo thuận, ngươi không cần phải sợ.”

Ta ngơ ngác gật đầu. Ta sợ sao?

Hình như ta đã sớm chấp nhận số phận này.

Đáng lẽ phải như vậy, đúng không?

Vậy thì, tại sao lại phải sợ?

Tại sao lại phải sợ?

4

Nhưng cuối cùng, ta cũng không thành thân với thái tử.

Sau khi sinh mẫu của thái tử, Trần quý phi, bị phế, phụ thân không cho phép ta đến Đông cung nữa.

Ta được đưa vào Thượng thư phòng.

Thiên tử đương triều có tổng cộng mười một người con: bảy hoàng tử và bốn công chúa.

Thượng thư phòng vốn là nơi dành cho các hoàng tử đọc sách, nhưng từ khi ta vào đó, hai vị công chúa chưa xuất giá cũng bắt đầu theo học.

Bọn họ đối xử với ta rất tốt, hoặc khiêm nhường lễ độ, hoặc giữ khoảng cách tôn trọng.

Những người khiêm nhường lễ độ là hoàng tử, còn những người giữ khoảng cách là công chúa.

Năm ấy ta đã mười lăm tuổi, ta hiểu ánh mắt họ nhìn ta có ý nghĩa gì.

Giang thị Nam Xuyên là thế gia trăm năm, đời đời làm quan to trong triều. Đến thời phụ thân ta, quyền thế lại càng đạt đến đỉnh cao.

Dân gian có câu: “Bạch cùng Giang chia thiên hạ.”

Ta là huyết mạch chính thống của Giang gia, tuy không có danh hiệu công chúa, nhưng địa vị còn tôn quý hơn cả công chúa.

Năm ta mười sáu tuổi, thái tử bị phế vì tội mưu phản, suốt đời bị giam cầm trong thâm cung.

Người ta tra ra phe cánh của hắn lên đến hàng chục gia tộc, tất cả đều bị tịch thu tài sản và lưu đày, nam tử làm nô, nữ tử làm kỹ.

Nhưng thái tử bị phế, thái tử phi vẫn là ta.

Khi biến cố này xảy ra, ta bị một trận bệnh rất nặng.

Trong thời gian ta lâm bệnh, tam hoàng tử – người lập công lớn trong việc lật đổ thái tử – ngày ngày ở trước mặt ta ra sức lấy lòng.

Ý đồ không thần phục của hắn, rõ ràng đến mức ai cũng nhìn thấy.

Ta thấy hắn đến phát chán, thiên tử cũng vậy.

Hắn tự cho rằng mình lập công lớn, ngôi vị thái tử đã nằm gọn trong tay, nào ngờ hành động đắc ý vênh váo này lại chọc trúng chỗ đau của thiên tử.

Thiên tử là quân chủ của vạn dân, nhưng cũng là phụ thân của thái tử.

Quân quân thần thần, cũng là phụ phụ tử tử.

Cuối cùng, thiên tử sắc phong thất hoàng tử làm thái tử – một người siêng năng chăm chỉ, ôn hòa vô hại.

Tam hoàng tử dường như vô cùng ngạc nhiên.

Nhưng ta thì không.

Khi tam hoàng tử bận rộn lấy lòng ta, ta thường thấy thất hoàng tử chờ bên ngoài thiên tử điện, tự tay ôm bát canh hầm, chỉ để thiên tử có thể uống một ngụm canh nóng sau khi nghị sự.

Hắn luôn giữ lễ tiết chu toàn với ta, nhưng lại duy trì khoảng cách, một lòng một dạ đặt vào thiên tử.

Sáng chiều thỉnh an, tận tâm hiếu thuận, chính là sự an ủi dịu dàng nhất dành cho thiên tử, người vừa mất đi trưởng tử và tận mắt chứng kiến cảnh huynh đệ tương tàn.

Tam hoàng tử bị loại khỏi cuộc chơi một cách khó hiểu.

Thiên tử phong thất hoàng tử làm thái tử, phụ thân cũng nói hắn rất tốt, tâm tư đơn thuần, xuất thân đơn giản.

Hắn tên là Bạch Dực.