Chương 1
Cập nhật: 1 tuần trước
1.
Trước mắt tôi là cảnh bà nội đang xới gạo trong thùng ra để rửa.
Tôi vẫn còn hoang mang.
Một lúc lâu sau tôi mới phản ứng kịp, mình đã trọng sinh rồi.
Tôi không còn mù, cũng chẳng điếc.
Chân tay lành lặn, trí óc tỉnh táo, khỏe mạnh như thường.
Mùi cơm trong nồi sôi lên thơm phức.
Ba mẹ đi làm đồng về, vác cuốc vào nhà.
“Hứa Ngân Hạnh, đứng ngây ra đó làm gì! Mau đi rót nước cho ba mẹ, khát ch .t rồi đây!”
Tôi theo phản xạ liền đi rót nước, chỉ sợ chậm một bước sẽ bị ba đánh.
Sau khi ba mẹ uống xong, đặt cuốc xuống, bà nội lại gọi tôi ra múc cơm, bưng đồ ăn.
Tôi vội vã xoay quanh bếp núc, không ngừng chân.
Cả nhà đã ngồi vào bàn, bắt đầu ăn cơm.
Một đĩa rau luộc, một đĩa dưa muối, một đĩa thịt xào ớt.
Bà nội gắp thịt cho em trai, dặn nó ăn nhiều để cao lớn.
Phần còn lại dính chút dầu mỡ và vụn thịt, bà nội san phần lớn cho ba, phần nhỏ cho mẹ.
Tôi im lặng nhai vài miếng dưa muối, ngay cả rau luộc cũng không dám đụng vào.
“Bới thêm cho tao một chén.”
Ba đưa cái chén rỗng cho tôi.
Tôi không kêu ca gì, cầm lấy, vào bếp.
Nhìn thấy cơm trong chén đã đầy.
Tôi dừng lại một lúc.
Suy nghĩ một chút.
Rồi lấy hết phần cơm còn lại trong nồi, nén vào chén của ba.
Khi rời khỏi bếp, tôi thấy trên tủ bếp có lọ tương “Lão Can Ma” món ba tôi mê nhất, rất thích ăn cơm trộn với nó.
Tôi không chần chừ, lấy lọ tương, đặt bên tay phải của ba.
“Hôm nay sao ngoan thế?”
Ba múc một muỗng tương, liếc tôi cười nhếch mép.
Tôi không trả lời.
Bà nội tiếp lời:
“Tôi vừa đánh nó một trận. Tử Tuấn lấy thuốc trừ sâu đổ vào thùng gạo chơi, con nha đầu ch .t tiệt này bảo thuốc độc, định đổ luôn cả thùng.”
Ba mẹ nghe vậy thì khựng tay, đang ăn cũng phải ngừng lại.
Ba nhìn bà nội, ngập ngừng hỏi:
“Vậy… cơm này là…?”
Bà nội xua tay, không hề để tâm:
“Không sao đâu, tôi đã rửa kỹ rồi, đảm bảo không dính tí thuốc nào, cứ yên tâm mà ăn.”
Nói rồi bà còn tự mình khẳng định:
“Có tí thuốc thôi, ai mà ch .t được. Cơm đó mà đổ thì tiếc quá.”
Ba tôi cũng gật đầu tán thành:
“Đúng thế, mấy chục cân gạo đấy, đổ đi thì cả tháng không có cơm mà ăn.”
Mẹ tôi thì bĩu môi, trừng mắt nhìn tôi:
“Bảo sao hôm nay ngoan bất thường, nói gì cũng nghe. Đúng là cái đồ đáng ghét, không ăn đòn thì không yên thân nổi!”
Tôi cúi đầu, cắn môi, giả vờ tội nghiệp.
Họ nhìn tôi một cái cũng lười, quay sang xoa đầu em trai Tử Tuấn mà dạy bảo dịu dàng:
“Tử Tuấn, lần sau đừng nghịch thuốc nữa, càng không được đổ vào thùng gạo. Lỡ mà con làm ba mẹ với bà nội trúng độc chết, cái tính khí khó ưa của chị con, e là sẽ xé x ác con ra mà gặm luôn cho coi!”
Kiếp trước, khi còn chưa bị đánh đến tàn tật, tôi từng chống đối lại việc ba mẹ thiên vị em trai.
Luôn cãi nhau, giành giật từng chút với họ và Tử Tuấn.
Họ nói tôi là chị, phải nhường em.
Nói tôi tâm địa độc ác, không muốn em trai sống yên.
Khi ấy tôi còn chưa hiểu thế nào là trọng nam khinh nữ.
Cũng chưa hiểu cái từ “đồ rác rưởi” trong miệng họ là sự sỉ nhục từ tận đáy lòng.
Giờ thì tôi hiểu rồi.
Dù tôi có làm gì đi chăng nữa, cũng không bao giờ nhận được một câu công nhận từ họ.
Vậy thì… tôi còn quan tâm làm gì nữa?
Muốn ăn gạo dính thuốc trừ sâu?
Vậy thì cứ ăn đi.
Có người muốn ch .t –
Tôi, tuyệt đối không ngăn.
2.
Buổi tối.
Cả nhà bắt đầu đau bụng.
Bà nội nôn mửa, tiêu chảy, nằm bẹp trên giường, miệng gọi tên ba tôi.
Mẹ cũng ôm bụng, khó chịu vô cùng.
Bà đẩy ba dậy: “Anh Tử Tuấn, mau dậy đi, coi thử mẹ sao rồi, có phải mình ăn nhầm cái gì rồi không, đau bụng chịu không nổi.”
Ba chẳng thèm để ý đến mẹ.
Lúc này mẹ lại nghe thấy tiếng kêu của Hứa Tử Tuấn, vội chạy đến bên thằng bé.
Đêm vốn yên tĩnh, dần trở nên hỗn loạn.
Người già la hét, trẻ nhỏ khóc lóc.
Một mình mẹ tôi xoay không xuể, ba thì ngủ như chết.
Tôi khi đó còn quá nhỏ, chẳng giúp được gì.
Mẹ đành gọi cậu đến giúp, đưa bà nội và Hứa Tử Tuấn tới trạm xá.
Bác sĩ hỏi bữa tối cả nhà ăn gì.
Mẹ tôi thành thật trả lời.
“Toàn mấy món thường ngày thôi, chẳng lẽ là do thịt heo mua không tươi nên mới khiến Tử Tuấn đau bụng?”
“Nhưng bà nội Tử Tuấn có ăn miếng thịt nào đâu, sao cũng bị đau bụng?”
Bác sĩ lại yêu cầu mẹ tôi suy nghĩ kỹ, có chỗ nào bất thường không.
Cuối cùng là Tử Tuấn nói một câu: “Con không muốn uống thuốc, thuốc đắng lắm” — khiến mẹ tôi bừng tỉnh, nhớ lại chuyện thùng gạo bị đổ thuốc diệt cỏ.
“Chẳng lẽ là do thuốc trừ sâu? Nhưng gạo đã rửa rồi mà, rửa rồi mà vẫn không ổn sao?”
Mắt mẹ trợn to, không thể tin nổi.
Dựa vào đó, bác sĩ chẩn đoán: “Chính là ngộ độc thuộc diệt cỏ, tình trạng này phải lập tức chuyển lên huyện để rửa ruột, nếu không sẽ rất nguy hiểm.”
Mẹ tôi hoảng loạn.
Vội vàng mượn một chiếc xe ba bánh, lao về huyện.
Sau khi rửa ruột thành công cho Hứa Tử Tuấn và bà nội, một già một trẻ mới yên ổn lại.
Cậu tôi vất vả suốt cả đêm, vừa lau mồ hôi vừa càm ràm: “Anh rể cũng thật là, mẹ ruột con ruột gặp chuyện nghiêm trọng vậy mà vẫn ngủ được à.”
Lúc này mẹ mới nhớ đến ba.
Ban đầu mẹ còn định nói đỡ vài câu cho chồng trước mặt cậu.
Nhưng bỗng nhiên, bà khựng lại, như vừa nhớ ra điều gì đó.
Không nói một lời, giao bà nội và em trai cho cậu rồi tức tốc quay về nhà.
Quả nhiên.
Ba đã chết.
Chết vì ngộ độc thuộc diệt cỏ.
Ngay từ trước khi bà nội và em trai đau bụng, ba đã nói với mẹ rằng mình cảm thấy không khỏe, nhờ mẹ đưa đến bệnh viện.
Nhưng mẹ vì ban ngày làm việc mệt quá, chẳng muốn động đậy, nên bảo ba cố chịu một chút.
Không ngờ, lần nhịn ấy… lại thành vĩnh viễn.
Ban đầu mẹ còn thương ba vì làm việc vất vả, thấy ba mệt nên mới không gọi ông đi cùng đưa bà nội và em trai đi viện.
Nghĩ kỹ lại.
Hóa ra chính quyết định của mẹ đã khiến người còn có thể cứu được lại ra đi mãi mãi.
Mẹ đau đớn, day dứt vô cùng.
Trong lúc vừa đấm ngực dậm chân vừa khóc, bà nhìn thấy tôi.
Tựa như cuối cùng cũng tìm được nơi để trút giận.
Toàn thân run rẩy, bà gào lên với tôi:
“Là mày, chính mày đã bới cho ba mày bát cơm đầy như thế, còn lấy Lão Can Ma cho ông ăn, chính mày hại chết ba mày!”
Tôi bị đè xuống, quỳ trước thi thể ba.
“Tao đánh chết mày, con tiện nhân này!”
“Hồi sinh mày ra, tao đã nên bóp chết mày từ đầu!”
“Giữ lại mày đúng là họa, ngay cả ba ruột mày cũng không tha!”
Mẹ tát tôi liên tiếp.
Tay đánh đau rồi.
Bà liền dùng chân đá.
Đá vào lưng, đá vào đùi, đá tôi ngã lăn ra đất.
Rồi bà giẫm lên người tôi.
Người cùng giẫm lên tôi còn có em trai — Hứa Tử Tuấn.
“Là mày, đều là mày! Chính mày hại chết ba tao!”
“Đánh chết con tiện nhân này đi!”
“Tiện nhân! Chính mày khiến tao mất cha!”
Mẹ con họ đúng là nực cười.
Không phải tôi đổ thuốc.
Cũng không phải tôi nấu cơm bằng gạo có độc.
Thế mà hai người họ cứ khăng khăng nhận định tôi là hung thủ giết chết ba.
Chỉ có bà nội, người vừa mất con trai, ngồi liệt trên ghế, ánh mắt trống rỗng nhìn tôi, không rõ đang nghĩ gì.
Không biết bà có hối hận không — vì đã không nghe tôi, cố chấp ăn gạo độc, để rồi gián tiếp hại chết chính con ruột của mình.
3.
Mẹ tôi trở thành góa phụ.
Tôi và Hứa Tử Tuấn trở thành những đứa trẻ mất ba.
Mẹ dẫn Hứa Tử Tuấn đi đặt quan tài cho ba tôi.
Đồng thời bận rộn lo chuyển hết đất đai trong nhà sang tên Hứa Tử Tuấn.
“Con nhóc chết tiệt đó, ai biết được có phải cố ý hại chết ba mày không.”
“Giờ ba mày chết rồi, trong nhà chỉ còn mình mày là đàn ông, đất đai nhất định phải là của mày.”
“Con tiện nhân kia đừng hòng giành được một tấc đất nào của mày.”
Lúc hai mẹ con họ đến ủy ban xã làm thủ tục.
Thi thể ba vẫn còn nằm trong sân, phủ tấm vải trắng.
Tôi ngồi ở cổng chơi bùn đất.
Còn thùng gạo đã hại chết ba tôi, thì bị bà nội bê từ trong bếp ra ngoài sân.
Tôi cứ ngỡ bà sẽ lấy củi đốt đi, thiêu hủy cả thùng lẫn gạo.
Dù gì bác sĩ cũng đã nói rõ, thuốc diệt cỏ cực độc, chỉ cần một chút cũng đủ chết người!
Dùng nước sạch rửa thế nào cũng không thể loại bỏ hết độc tính.
Thế nhưng bà chỉ ngồi canh thùng gạo ấy.
Không hề có ý định tìm củi nhóm lửa.
Rồi.
Bà lấy một cái gáo, múc một vá to gạo, rắc vào chuồng gà bên cạnh.
Trong chuồng có ba, bốn chục con gà mái lớn.
Nuôi đã gần hai năm trời.
Khi ba tôi còn sống, ông thường nói đợi đến Tết sẽ bán gà, lấy tiền sửa sang lại căn nhà cấp bốn.
Nếu còn dư, sẽ mua thêm một chiếc xe ba bánh.
Đến lúc đó có thể chở mẹ, em trai và bà nội vào thành phố chơi.
Tôi ngơ ngẩn nhìn bà từng vá, từng vá gạo trong thùng rải vào chuồng gà.
Đám gà mái trong chuồng ăn được gạo trắng nõn, vỗ cánh rối rít.
Hạt gạo rơi xuống đất phát ra âm thanh lách tách giòn tan.
Đám gà mái vui sướng cục ta cục tác không ngớt.
Bà nội lẩm bẩm trong miệng:
“Người không ăn được thì cho súc vật ăn, cũng đừng uổng phí.”
“Chỗ gạo trắng nõn thế này, rẻ cho tụi bay rồi, lũ súc sinh!”
“Ăn nhiều vào, Tết đến tao bán tụi bay đi, lấy tiền mà tiêu cho đứa cháu trai cưng của tao.”
Hôm ấy, nắng rất đẹp.
Thi thể ba tôi nằm trong sân, bị nắng chiếu đến bắt đầu bốc mùi.
Bóng dáng bà nội siêng năng làm việc chỉ biến mất khi hoàng hôn buông xuống.
Những âm thanh huyên náo bên tai tôi, cuối cùng cũng chìm vào yên lặng.