Chương 1

Cập nhật: 1 tháng trước

1.

Gió lạnh như dao, cắt da rát thịt.

Ta nắm chặt chuôi dao giắt bên hông, hai chân chạy như bay, không dám dừng lại lấy nửa khắc.

Ta thực sự rất sợ.

Sợ mẹ con Vương gia đuổi kịp, kéo ta trở về cái ổ sói kia.

Mang đôi giày cỏ, ta cắm đầu chạy về phía bến đò.

Mãi đến khi thừa lúc hỗn loạn len lên được thuyền chở hàng, nằm cuộn tròn nơi khoang đáy, nghe tiếng tim đập dồn dập trong lồng ngực, ta mới dám tin rằng mình thực sự đã trốn thoát.

Thuyền khẽ rung, ta cố nén niềm vui trong lòng, thu mình lại, tìm chút hơi ấm.

Ta khẽ khàng nhắm mắt.

Trong mộng, ta và con dao bên hông cùng chạy về một tương lai tươi sáng.

Sáng hôm sau, còn chưa kịp tìm nơi ẩn thân, một luồng ánh sáng rọi xuống khoang.

Một ông lão kiểm hàng phát hiện ra ta.

Sợ ông hiểu lầm ta là kẻ trộm, ta vội quỳ xuống, khẩn cầu:

“Ta bị nhà mẹ đẻ ruồng bỏ, bị nhà chồng ngược đãi, bất đắc dĩ mới trốn lên thuyền. Xin lão gia đừng tố giác, chờ thuyền cập bến, ta sẽ tự mình rời đi.”

Thấy trong mắt ông vẫn còn do dự, ta liền dập đầu mấy cái vang dội.

Ông không nói lời nào, xoay người rời khỏi khoang, khiến lòng ta lạnh đi nửa phần.

Chẳng bao lâu sau, ông quay lại, tay cầm theo một chiếc áo bông và một lọ thuốc trị thương.

“Gió biển lớn, mặc vào đi.”

Ta đón lấy áo, theo bản năng lùi lại nửa bước.

Khi trốn khỏi Vương gia, trên người ta chỉ có một lớp áo mỏng, lại bị mẹ con nhà kia đánh đập tàn nhẫn, quần áo đã rách bươm, để lộ ra từng vết roi hằn đỏ máu.

Từ nửa đêm qua đến giờ, thân thể vừa lạnh vừa đau.

Ta giấu lọ thuốc vào trong áo, định đợi ông đi rồi mới bôi, thì bụng lại kêu lên một tiếng rõ ràng.

Ông lại đi ra ngoài lần nữa, mang về hai cái bánh nướng.

Sau này quen thân, ta mới biết ông chẳng phải phu thuyền bình thường, mà là chủ nhân của lô hàng này.

Ông nói mình có một cháu gái trạc tuổi ta, năm nay vừa mới định thân, lần đầu gặp ta liền thấy thân thiết.

Ông còn kể, thật ra ông không cần tự mình áp tải hàng, nhưng tuổi đã cao, muốn ra ngoài ngắm nhìn bốn phương một lượt, chẳng biết đến ngày nào nhắm mắt xuôi tay, nên muốn tranh thủ lúc còn sống, đi một chuyến cho thỏa lòng.

2

Thuyền đi tới Nguyệt Nhai châu, ta rưng rưng nước mắt từ biệt ông lão.

Ông muốn nhận ta làm nghĩa tôn nữ, đưa ta về sống cùng gia quyến của ông.

Ta khéo léo từ chối ý tốt ấy.

Đường, rốt cuộc vẫn là phải tự mình bước. Không ai có thể bảo hộ ta cả đời.

Nói thì là thế, nhưng thực tế là, vừa đặt chân xuống thuyền, ta liền lạc phương hướng trên đảo.

Họa vô đơn chí, đi được hai ngày đường, vừa khát vừa mệt, thân thể suy kiệt, ta lăn từ sườn núi xuống.

Trước khi hoàn toàn mất đi ý thức, ta hình như trông thấy một nam nhân.

Hàng lông mày hắn sắc lạnh, ngũ quan cứng rắn, đôi mắt đen sâu thẳm, bên má phải có một vết sẹo, phản chiếu dưới ánh sáng, có chút rợn người. Ta nghĩ, nơi hoang vu thế này, e là gặp phải quỷ rồi.

Biết là thế, nhưng trong lòng ta lại chẳng hề thấy sợ, đôi khi quỷ, nào có đáng sợ bằng người?

Mở mắt ra lần nữa, ta phát hiện mình đang nằm trên giường, đảo mắt nhìn quanh, chỉ thấy một bà tử đang giã thuốc.

Ta gượng dậy cảm tạ, nhưng chân tay vô lực, vừa đứng lên đã ngã lăn xuống đất, cổ họng cũng đau rát, không thốt nổi thành lời.

Bà tử nghe thấy tiếng động, vội vã chạy tới:

“Cô nương à, thân thể cô vừa mới có thêm vết thương mới chồng lên vết cũ, lại hôn mê suốt hai ngày, khí huyết suy yếu lắm, không nằm yên vài hôm thì chẳng xuống giường nổi đâu, cứ nghỉ ngơi cho tốt.”

Ta mượn sức bà, nằm lại lên giường, vì gây thêm phiền toái mà mặt đỏ bừng lên.

Bà tử chẳng mảy may để tâm, vừa thoa thuốc vừa hỏi:

“Cô nương là từ phương Bắc đến sao?”

Ta không thể trả lời, chỉ gật nhẹ đầu.

“Cô nương quê quán nơi nào? Gọi là gì?”

Hỏi xong, bà tử mới thấy không phải, tự trách:

“Già này miệng nhanh quá, quên mất cổ họng cô nương bị độc thảo trên núi cứa vào, giờ còn chưa thể nói được, trách ta, trách ta.”

Ta vội vàng xua tay.

Kỳ thực, dù giờ ta có thể nói, cũng chẳng biết nên trả lời bà thế nào cho phải.

Trước khi bị bán, người trong nhà đều gọi ta là “con nha đầu” lớn; sau khi bị bán, người Vương gia chửi ta là “con nha đầu chết toi”, “con nha đầu xấu xí”, người ngoài cũng chỉ biết ta là người nhà họ Vương.

Ngay cả ông lão trên thuyền cũng chỉ gọi ta là “nha đầu”, chưa từng có ai hỏi tên ta là gì.

Ta… dường như chưa từng có cái tên của riêng mình.

3

Những ngày nằm trên giường, bà tử sợ ta buồn chán, ngày nào cũng dành thời gian trò chuyện cùng ta.

Bà nói bà cũng đến từ phương Bắc, còn vì sao mà đến đây thì không nói, nhưng qua lời bà, ta cảm nhận được nỗi thương nhớ khôn nguôi dành cho vùng đất ấy.

Thì ra hôm ấy người ta gặp không phải quỷ, mà là cháu trai của bà.

Hắn tên là Lâm Viễn, tự Tử Quy.

Hôm qua từ sáng sớm, Lâm Viễn đã vào núi săn bắn, thường thì hắn sẽ ở lại núi bốn năm ngày mới về.

May nhờ có sự chăm sóc của bà, chưa đến năm ngày, vết thương trên người ta đã khép miệng, cổ họng cũng không còn quá đau, chân tay đã có thể đặt xuống đất.

Bà nói nắng ấm có thể giúp ta hồi phục sớm hơn, nên đưa ta ra ghế trong sân để tắm nắng.

Nhà bà ở dưới chân núi.

Ba gian nhà tre, một căn bếp, có hàng rào quây lại thành một sân nhỏ, cách xa các thôn xóm xung quanh.

Ta thảnh thơi nằm trong sân.

Mây trắng trôi bồng bềnh giữa không trung, bóng cây sát lại, đung đưa cùng gió.

Yên bình và đẹp đẽ.

Không hiểu sao nơi này lại ấm áp đến thế, rõ ràng là giữa mùa đông, mà còn ấm hơn cả mùa hạ ở phương Bắc.

Ấm đến mức khiến khóe mắt ta cay cay.

Bà nấu cháo trắng, gọi ta đến ăn.

Ta nhanh chân bước tới, lặng lẽ ngồi xuống, cẩn trọng mở miệng:

“A bà, người có thể… có thể giúp ta…”

Đặt cho một cái tên?

“Cốc cốc…”

Chưa kịp nói hết, tiếng gõ cửa đã chen ngang. Ta đứng dậy giúp bà mở cửa.

Cảnh tượng ngoài cửa khiến ta giật mình thon thót.

Một đôi một gánh, bọc vải đỏ, nhìn thế nào cũng giống như là sính lễ cầu hôn.

Nhưng người đứng trước mặt ta lại là một nữ tử.

Nàng ấy rực rỡ kiêu hãnh.

Lúc này đang hơi không vui nhìn ta:

“Ngươi là ai?”

Ta còn chưa kịp nghĩ xem nên đáp thế nào, sau lưng đã vang lên giọng của bà tử:

“Nó là đứa già này định làm dâu cho Tử Quy.”

Ta không phủ nhận, còn tự nhủ, như vậy là giúp bà.

Chỉ có chính ta biết rõ trong lòng mình, là lòng riêng quấy phá, là tham luyến hơi ấm mà bà mang lại, là ta không muốn rời đi.

Bà tử chẳng biết từ lúc nào đã bước tới cạnh cửa, liếc nhìn ra ngoài, nhẹ giọng nói:

“Hải cô nương, nhà ta Tử Quy đã có hôn phối, mấy thứ này ngươi đem về đi thôi.”

Sắc mặt cô nương ngoài cửa lập tức sa sầm, nhưng nàng không hề làm loạn, chỉ cúi người hành lễ với bà:

“A bà, hôm nay là Lê Hoa quấy rầy rồi.”

Sau đó, nữ tử tên Hải Lê Hoa ấy quay lại nhìn ta thật sâu, rồi dẫn người rời đi.

Bóng lưng nàng mang theo vẻ không cam lòng.

Nhưng cũng chỉ là không cam lòng mà thôi.

4

Bà tử đóng cửa lại, nắm lấy tay ta nói:

“Cô nương tha lỗi, vừa rồi tình thế cấp bách, bà già này đành mượn cô làm cái cớ, làm tổn hại thanh danh của cô rồi.”

Ta khẽ lắc đầu, trấn an bà:

“A bà, ta không để bụng đâu.”

Người như ta còn có gì gọi là thanh danh?

Huống hồ, ta cũng có lòng riêng.

Thấy bà vẫn u sầu chưa nguôi, ta bèn nói nốt câu vừa bị ngắt quãng ban nãy:

“A bà, người có thể… giúp ta đặt một cái tên không?”

“Cái này… cái này sao có thể được?”

Thấy bà còn do dự, ta đem hết những chuyện đã trải qua suốt mười sáu năm kể ra không sót một chữ.

5

Ta số khổ, sinh ra ở ngôi làng nghèo nhất của huyện nghèo nhất.

Lại gặp đúng năm loạn lạc.

Không chết đói đã là điều xa xỉ.

Nguyện vọng lớn nhất của người trong làng, là có thể nhìn thấy mặt trời ngày mai.

Ta thì không giống họ.

Điều ta mong mỏi nhất, là được ăn một bữa cơm no.

Năm mười hai tuổi, nguyện vọng ấy của ta cuối cùng cũng thành hiện thực.

Hôm ấy ta đào rễ cỏ trở về, a nương hiếm khi múc cho ta nửa bát cơm.

Chiếc bát đen làm nổi bật từng hạt gạo trắng ngần, lớp dầu gạo loang ra bên thành bát, mùi thơm tỏa khắp cả căn nhà.

Ta nuốt nước bọt, nhưng không dám ăn.

Bởi vì trước giờ, những thứ quý giá thế này đều để dành cho đệ đệ và a cha.

A nương chưa từng nấu cháo gạo đặc đến thế, thường ngày chỉ một nắm gạo cho vào nồi đầy nước, nấu xong thì vớt gạo ra trước.

A nương múc cơm rất thuần thục, nếu may mắn, đáy bát ta còn vớt được vài hạt gạo.

Ta lớn đến chừng này, cũng chưa từng thấy cảnh tượng như hôm nay.

A nương huých ta một cái, giục:

“Đại Nha, ăn đi con, không ăn thì cơm nguội mất.”

Ta không do dự nữa, múc một muỗng đầy cơm trắng đưa vào miệng.

Mềm. Thơm.

Không có vị đắng của lá cây, không có vị chát của rễ cỏ, càng không có cảm giác nghẹn của đất Quan Âm.

Ta nhai chầm chậm, vô tình cắn trúng đầu lưỡi.

Cơm thấm máu, ta cũng nuốt xuống.

Tiểu đệ mở to mắt nhìn ta thèm thuồng, nhưng lúc ấy, ta rất ích kỷ, không chịu chia cho nó lấy một miếng, mặc cho nó khóc lóc om sòm.

Ta chỉ nhai từ từ, tham lam tận hưởng từng hạt gạo.

Nuốt xong ngụm cuối cùng, ta đứng dậy rửa sạch nồi bát, rồi yên lặng bước đến bên a nương.

“A nương, chúng ta đi thôi.”

Ta không phải đứa ngốc, ta nhìn ra được dụng ý đằng sau bát cơm ấy.

Ánh mắt a nương né tránh:

“Đại Nha, đừng trách nương tàn nhẫn, nương cũng bất đắc dĩ. Nếu không đổi lấy chút bạc, e là cả nhà chúng ta khó mà qua nổi mùa đông năm nay.”

Ta đáp khẽ một tiếng “ừm” bằng giọng mũi.

Ta hiểu lý lẽ, nhưng trong lòng vẫn buồn, thậm chí oán hận.

Vì sao lại là ta?

Nếu ta hỏi thành lời, a nương chắc chắn sẽ nói, đệ đệ là hương hỏa của cả nhà, dù bà có chết cũng không để đệ đệ gặp chút bất trắc nào.

Ta đẩy cánh cửa gỗ “kẽo kẹt” phát tiếng, quay đầu nhìn lại cái sân nhỏ đã sinh ra và nuôi lớn ta, rồi theo chân a nương đi về phía trấn Ô Tinh.