Chương 1
Cập nhật: 1 tuần trước
1
Khi nhận được điện thoại từ đồn cảnh sát, tôi đang nằm trên chiếc giường mềm trong hội sở dưỡng sinh cao cấp, vừa làm SPA vừa tận hưởng cuộc sống.
Chi mười vạn làm cái thẻ hội viên, quả thật khác biệt – một liệu trình massage xong, mệt mỏi toàn thân bay sạch.
Là phụ nữ, phải biết đối xử tốt với bản thân.
Bị ngắt ngang giữa chừng, nói thật là tôi khó chịu.
Nhưng vừa nghe nói Hồ Đạt ch.t rồi, tôi suýt nữa cười thành tiếng, còn mong cảnh sát lặp lại vài lần nữa cho sướng tai.
Nghĩ về những uất ức tôi từng chịu suốt bao năm qua, tôi mới miễn cưỡng không bật cười trong điện thoại.
Cúp máy, tôi thở dài một hơi: “Dễ chịu thật đấy.”
Rồi tiếp tục nhắm mắt hưởng thụ.
Bốn tiếng sau, tôi thong thả đến đồn cảnh sát.
Cảnh sát dẫn tôi đến ngoài phòng thẩm vấn, chỉ vào Lý Mẫn bên trong và nói với vẻ lúng túng:
“Chồng cô – Hồ Đạt – ch.t lõa thể trên giường cô ấy. Hiện trường có một hộp Viagra chỉ còn hai viên và đủ thứ đồ chơi… khó nói.”
Kết quả giám định: ch.t vì nhồi máu cơ tim do hưng phấn quá độ.
Ồ hô~
Tưởng gì, cái gã suốt ngày cằn nhằn tôi mỗi lần ăn cơm với đồng nghiệp, lại âm thầm chơi bời biến thái thế này à?
Chơi lớn quá, thành thăng thiên cực lạc luôn.
Chúc mừng nhé, đáng lắm.
Tôi nghe mà ngoài mặt thì đau khổ muốn ch.t, trong bụng lại mừng như trẩy hội.
Công nhận diễn mệt thật. Nhưng may thay, trong đại gia đình Oscar nhà chồng, tôi được rèn kỹ năng diễn xuất đến level thượng thừa.
Cảnh sát nhìn bộ mặt đau buồn của tôi, rồi liếc sang Lý Mẫn trong phòng đang gào khóc thảm thiết, quay lại nhìn tôi bằng ánh mắt đầy cảm thông.
“Chúng tôi cần cô phối hợp cung cấp thông tin điều tra.”
Tôi gật như gà mổ thóc:
“Vâng vâng, các anh cứ hỏi! Tôi là công dân gương mẫu, tuyệt đối phối hợp!”
Vào trong, Lý Mẫn vẫn đang đỏ mặt tía tai tranh cãi ầm ĩ với một cảnh sát khác.
Tóc tai rối như ổ quạ, mặt mày bơ phờ, chẳng còn chút khí chất “chính thất trong mộng” như lần gặp tôi dạo trước.
Vừa thấy tôi, cô ta lao tới định níu lấy tay, bị cảnh sát ngăn lại ngay.
“Lý Mẫn, lúc Hồ Đạt ch.t chỉ có cô ở hiện trường. Giờ chưa thể loại trừ nghi vấn, cô nên an phận và phối hợp.”
Cô ta chẳng thèm nghe, chỉ biết nhìn tôi cầu cứu:
“Chị Trần Tâm, em xin chị… Em không biết anh ấy bị bệnh tim đâu, chị giúp em nói với họ đi…”
Cảnh sát bực mình:
“Không đến lượt cô nói! Gây rối thêm thì đừng trách chúng tôi cứng rắn!”
Cuối cùng, Lý Mẫn đành câm nín.
Tôi thì làm theo đúng quy trình, trả lời từng câu, làm bản ghi lời khai đàng hoàng.
Trong lúc ấy, Lý Mẫn cứ la oai oái “tôi vô tội”, nhưng chẳng nói được gì cho ra hồn.
Còn liên tục cắt ngang làm cảnh sát phải nhắc nhở mấy lần.
Tôi nhìn cái bộ dạng vừa điên vừa loạn của cô ta, cười thầm trong bụng.
Cuối buổi, cảnh sát hỏi:
“Cô còn muốn cung cấp thêm gì không?”
Tôi đẫm nước mắt, giọng nghẹn ngào:
“Cảnh sát à…
Xin hãy điều tra thật kỹ cô Lý Mẫn này.
Chồng tôi ba ngày hai bận chạy đến nhà cô ta, sao có thể nói là không biết anh ấy bị bệnh tim?”
Lý Mẫn lập tức trừng tôi như muốn lột da.
Chà, đổi mặt nhanh thật. Lúc nãy còn van xin, giờ đã muốn giết người.
Tôi lơ luôn ánh mắt hận thù đó, nhẹ nhàng “bổ sung thông tin”:
“Chồng tôi hơn cô ta hơn chục tuổi, già gần bằng bố cô ta rồi.”
“Không chừng là do anh ấy không thỏa mãn được, nên cô ta ép ảnh uống thuốc dẫn đến tử vong đó chứ…”
Tôi biết cô ta chắc chắn sẽ thoát tội, nhưng với tư cách vợ người chết, tôi nêu nghi ngờ chính đáng, đâu có gì sai?
Vừa dứt lời, Lý Mẫn đã hét ầm lên:
“Trần Tâm, con tiện nhân! Cô gài bẫy tôi!”
“Dựa vào đâu nói là tôi ép ảnh? Vậy cô là vợ, cô không ép à?!”
Ồ, bây giờ nhớ ra tôi là vợ rồi hả?
Lúc trước còn hất mặt lên bảo tôi nhường chồng, nói tình yêu của họ là chân ái cơ mà?
Tôi lười đáp, chỉ quay sang cảnh sát:
“Dạo này anh ấy nói đang làm dự án lớn, bận liên tục.
Hết tăng ca lại đi công tác, tôi cả tháng rồi không gặp.
Muốn ép cũng đâu có cơ hội? Các anh cứ kiểm tra camera khu nhà là rõ.”
Tôi làm bộ sắp khóc luôn.
Ánh mắt cảnh sát nhìn tôi lại càng thương cảm.
Tôi tiếp tục “tăng liều”:
“Anh ấy ch.t trên giường cô ta, vậy mà cô ta còn ngông nghênh thế này…
Mong các anh bảo vệ tôi… huhu…”
Lý Mẫn thấy tôi cướp hết kịch bản, phát điên, lao vào như chó dại, bị cảnh sát giữ lại.
Không chỉ vậy, còn tưởng cảnh sát bênh tôi, thế là bắt đầu sỉ nhục và đánh người.
Ủa? Đây là đồn công an, chứ không phải tổ ấm của cô và Hồ Đạt đâu nhé?
Tôi giả vờ hoảng sợ, đứng bên cạnh xem kịch vui.
Và đúng như tôi đoán —
Cô ta được “tặng” vòng tay trắng cao cấp, nghỉ dưỡng 10 ngày ở nhà đá, nộp phạt 500 tệ, và có thêm dấu đỏ vi phạm pháp luật.
Tôi đứng dậy cảm ơn cảnh sát, mỉm cười mãn nguyện rời khỏi đồn.
2
Chồng chết trên giường tiểu tam thì làm sao?
Còn làm sao nữa? Tất nhiên là tổ chức tang lễ linh đình!
Tôi lập tức liệt kê danh sách người tham dự tang lễ.
Từ bạn học cấp một của Hồ Đạt đến đồng nghiệp, cấp trên, từ hàng xóm láng giềng đến bà con thân thích, đặc biệt là mấy bà tám trong làng quê anh ta, không sót một ai, tất cả đều được báo tin đầy đủ. Sau đó, tôi gọi cho ba mẹ Hồ Đạt đang du lịch ở Thái Lan.
Chuông điện thoại reo một lúc lâu mới có người nghe máy.
“Trần Tâm à, mẹ với ba con đang vui lắm, có chuyện gì thì đợi tí nữa rồi nói, mẹ tắt máy đây.”
Giọng bà Hồ đầy bực dọc, rõ là không hài lòng khi bị tôi làm gián đoạn chuyến chơi bời của họ.
Tôi lập tức quát lên một tiếng:
“Mẹ! Hồ Đạt chết rồi!”
Đầu dây bên kia im phăng phắc, rồi giọng cả hai ông bà cùng vang lên:
“Con nói gì cơ?”
Tôi cười hả hê:
“Hôm nay cảnh sát gọi báo cho con! Hai người mau về đi!”
Bà Hồ lập tức gào khóc thảm thiết.
Tự dưng tôi lại nhớ đến Lý Mẫn lúc ở đồn, khóc cũng y chang cái kiểu này, chẳng khác gì mẹ con ruột.
Ba Hồ run giọng hỏi tôi:
“Hồ Đạt… nó chết sao?”
Tôi cố tình ấp a ấp úng:
“…À… cái đó… ba ơi, nói trong điện thoại không tiện, ba mẹ cứ về trước đi, con sẽ kể sau.”
Ông còn định hỏi nữa, tôi ngắt luôn:
“Con còn nhiều chuyện phải lo, người cũng mệt, con đã nhờ hướng dẫn viên đổi vé cho ba mẹ rồi, họ sẽ sắp xếp ổn thỏa. Thôi con tắt máy đây.”
Nói xong tôi cúp luôn, họ có gọi lại tôi cũng không thèm bắt máy.
Tôi kiểm tra vé máy bay, đúng lúc đang mùa du lịch, chuyến sớm nhất cũng phải hai ngày sau. Vừa hay, đủ thời gian.
Hôm sau, Hồ Đạt được đưa vào nhà hỏa táng, biến thành một nắm tro.
Ngày thứ ba, trong lễ tang, tôi đang bận rộn tiếp đón khách khứa.
Ba mẹ Hồ Đạt dẫn theo em trai em gái anh ta, khí thế hùng hổ xông vào, phía sau còn có hai anh cảnh sát đi cùng.
Ô hô, đủ mặt cả rồi, sắp mở màn một vở kịch lớn đây.
Vừa thấy tôi, bà Hồ đã bước tới, chất vấn lớn tiếng:
“Trần Tâm, rốt cuộc Hồ Đạt chết thế nào?”
“Sao cô tổ chức tang lễ nhanh như vậy, chắc chắn là có tật giật mình!”
Tôi cố tình hạ thấp giọng:
“Mẹ, mẹ nói nhỏ thôi, con cũng chỉ muốn để anh ấy sớm được an nghỉ mà. Giờ không tiện nói, lát nữa con sẽ kể.”
Bà Hồ càng kích động hơn, nước miếng bắn tung tóe:
“Tôi hỏi cô Hồ Đạt chết thế nào, cô cứ ậm ờ là sao?”
“Đồ đàn bà độc ác! Nhất định là cô giết con trai tôi! Tôi báo công an rồi đấy!”
Hai anh cảnh sát bước lên trước, xuất trình giấy tờ:
“Chị Trần, mẹ của Hồ Đạt báo rằng chị có hành vi mưu sát chồng. Mong chị theo chúng tôi về làm rõ.”
Tôi nhìn hai anh cảnh sát, bình tĩnh nói:
“Không vấn đề gì, các anh đợi chút nhé.”
Tôi quay sang bà Hồ, làm bộ khó xử:
“Mẹ, mẹ thực sự muốn con nói ngay tại đây?”
Có cảnh sát chống lưng, bà càng thêm hung hăng, trừng mắt nạt tôi:
“Không nói thì chứng tỏ có tật! Tôi thấy cô là đồ gian manh!”
Tôi chỉ biết thở dài, rồi chiều ý bà:
“Hồ Đạt uống Viagra quá liều, lên cơn đau tim và chết trên giường tiểu tam.”
Tôi nói to, rõ ràng từng chữ để đảm bảo ai có mặt cũng nghe cho rõ.
Lời vừa dứt, cả tang đường rúng động.
Đến cả hai cảnh sát cũng phải kìm nén để khỏi phá ra cười.
Mặt bà Hồ từ dữ tợn chuyển sang đờ đẫn, đứng không vững, hai đứa con phải nhào tới đỡ.
Bà ta run rẩy chỉ tay vào tôi:
“Vớ vẩn! Con trai tôi sao làm ra chuyện đó được?”
Hai đứa con của bà cũng đồng thanh:
“Đúng đó, anh tôi không phải loại người như vậy! Chị nói bậy!”
Khách khứa bắt đầu xì xào bàn tán.
Tôi lạnh nhạt cười, móc ra vài tờ giấy trong túi xách, đưa cho cảnh sát:
“Các anh, đây là văn bản cảnh sát gửi tôi mấy hôm trước, ghi rõ nguyên nhân tử vong.”
Cảnh sát nhận lấy, xem qua rồi chuyền cho nhà chồng tôi, chứng thực lời tôi nói là đúng.
Cả bốn người mặt mũi lập tức đen như đáy nồi.
Thấy tôi vẫn điềm nhiên như không, bà Hồ lại la hét:
“Cô cũng đâu có trong sạch! Cô ngoại tình sau lưng con tôi! Bị người ta chụp ảnh rồi!”
Bà lôi ra điện thoại, chìa ra bức ảnh tôi đang ăn với một người đàn ông trong nhà hàng. Tôi nhìn rõ mặt, còn người đàn ông chỉ thấy bóng lưng – rõ ràng không phải Hồ Đạt.
Tôi liếc qua, nhíu mày:
“Mẹ à, mẹ bị lú rồi à? Đây không phải em chồng sao?”
Cậu em liền giật lấy điện thoại xem – đúng là cậu ta thật.
Bà Hồ không chịu bỏ qua, đảo mắt hỏi vặn:
“Cô rảnh sao lại đi ăn riêng với nó? Có âm mưu gì hả?”
Ngay cả cậu em trước nay cà lơ phất phơ cũng chịu không nổi, kéo tay bà:
“Mẹ, bớt nói đi. Lần này đi Thái là do chị dâu chi tiền. Hai người ăn cơm là để bàn chuyện đó mà.”
Tôi lập tức tỏ ra đau khổ:
“Mẹ ơi! Con luôn nghĩ cho nhà họ Hồ, tự móc hầu bao cho mọi người đi chơi nước ngoài, vậy mà mẹ vẫn nghi ngờ con. Con thật sự quá thất vọng rồi!”
Nói xong tôi còn ráng rặn ra hai giọt nước mắt.
Thật ra cũng chẳng tốn bao nhiêu tiền, mục đích là để tống hai ông bà già đó đi chỗ khác thôi.
Mà so với số tiền Hồ Đạt để lại, chẳng là gì cả.
Khách mời bắt đầu nhìn nhau, lắc đầu chê trách gia đình họ.
Thấy thời cơ chín muồi, tôi lau nước mắt, quay sang cảnh sát:
“Xin lỗi các anh, để các anh chứng kiến chuyện lộn xộn này.”
“Báo cáo tử vong đã có, tôi cũng đã lấy lời khai rồi, còn cần về đồn nữa không ạ?”
Hai anh cảnh sát nhìn tôi đầy cảm thông:
“Không cần đâu, chị yên tâm.”
Họ vừa quay đi, tôi liền gọi với:
“Khoan đã, cảnh sát ơi.”
Hai người dừng lại, quay lại nhìn tôi.
Gia đình kia cũng đồng loạt dồn ánh mắt về phía tôi.
Tôi điềm tĩnh nhìn cả bốn người:
“Ai là người báo án? Không có chứng cứ mà vu cáo người khác, báo án giả là phạm luật đúng không?”
Hai cảnh sát hơi sững người, không ngờ tôi rành luật đến vậy.
Bà Hồ vội lảng ánh mắt, hai đứa con thì căng thẳng nhìn tôi.
Ông Hồ cuống cuồng bước tới hòa giải:
“Ây da, hiểu lầm, tất cả chỉ là hiểu lầm thôi. Cảnh sát à, bà nhà tôi lớn tuổi rồi, đầu óc không tỉnh táo, xin đừng truy cứu nữa được không?”
Hai cảnh sát nhìn sang tôi, chờ phản hồi.
Tôi liếc bà Hồ đang co rúm như chuột mắc mưa, khẽ nói:
“Thôi, con trai vừa mất, mẹ cũng khổ rồi. Tôi bỏ qua lần này.”
Không phải tôi rộng lượng gì, chẳng qua chưa đến lúc — vở hay vẫn còn đang chờ phía sau.
Nói xong, tôi tiễn hai cảnh sát ra cửa.
Khách khứa trong lễ tang đều tinh ý, chỉ trong chốc lát, tin tức đã lan truyền trong nhóm, không khéo còn lên cả báo.