Chương 1

Cập nhật: 3 tháng trước

1

Tôi tỉnh dậy khỏi giấc mơ, toàn thân đẫm mồ hôi lạnh.

Ngoài phòng vang lên tiếng cười nói ồn ào, là bố tôi đang uống rượu với chú Lưu.

Rượu vào lời ra, chú Lưu hỏi: “Thi xong cũng lâu rồi, Tiểu Tuyết có dò đáp án chưa? Ước chừng được bao nhiêu điểm? Đỗ đại học top 1 chắc không vấn đề gì chứ?”

Nhắc tới chuyện học hành của tôi, bố tôi cười hớn hở: “Con bé nói có thể được 600 điểm đấy! Nhưng mà vẫn chưa thống nhất được trường và ngành học, nên hôm nay mời ông tới đây tham mưu giúp một chút!”

Chú Lưu là bạn học cũ của bố tôi, mấy năm nay làm “chuyên gia tư vấn nguyện vọng thi đại học”.

Nghe đến lĩnh vực mình giỏi, chú Lưu hào hứng hẳn: “Ông tìm đúng người rồi đấy! Tôi chưa từng làm trượt hồ sơ của ai đâu, bố mẹ học sinh ai cũng cảm ơn tôi rối rít!”

Bố tôi kính rượu một ly, chú Lưu lập tức bày mưu tính kế: “Thành tích của Tiểu Tuyết như thế, nên chọn trường sư phạm! Tốt nhất là chọn hệ sư phạm miễn học phí, sau này ra trường đi dạy vừa ổn định lại không tốn kém!”

Bố tôi gật đầu lia lịa: “Tôi cũng nói với con bé thế! Nhưng mà nó lại muốn học gì mà… sáng tác sáng tạo! Học xong ra trường có kiếm được việc không? Tôi thật sự không hiểu nó học để làm gì!”

Chú Lưu cười, cụng thêm ly nữa: “Loại tình huống con không nghe lời cha mẹ, tôi gặp nhiều rồi. Tôi dạy ông một chiêu, nghe tôi là đúng—”

Ông ta hạ giọng, nhưng sự đắc ý không giấu được: “Cứ nói chuyện nhẹ nhàng với nó trước, nếu không xong thì… ông âm thầm đổi nguyện vọng của nó là xong! Vừa vào đại học, con bé chưa có tiền, dù giận cũng chẳng giận được bao lâu! Với lại…”

Phần sau tôi nghe không rõ, đầu tôi cứ ong ong.

Tôi không thể phân biệt nổi đâu là hiện thực, đâu là giấc mơ.

Vì cảnh tượng ấy—tôi đã thấy trọn vẹn trong mơ rồi.

Sau khi có điểm thi, tôi được 615 điểm.

Đủ để vào một trường tốt, học chuyên ngành sáng tác mà tôi yêu thích.

Nhưng từ sau hôm chú Lưu đến nhà, bố tôi nhất quyết bắt tôi chọn ngành sư phạm miễn phí.

“Con không muốn làm giáo viên.”

Lần đầu tiên, tôi kiên quyết nói “không” với ông.

Nhưng ông không mảy may bận tâm: “Thích hay không không quan trọng. Quan trọng là ổn định! Con là con gái, gia đình không kỳ vọng con phải kiếm tiền gì to tát. Làm giáo viên có hai kỳ nghỉ dài, như vậy tiện chăm lo cho gia đình, còn gì bằng?”

“Nhưng mà…”

Lập tức, hàng loạt lời chỉ trích dội tới: “Con biết điều chút được không? Bố mẹ còn phải đi nhờ người để tư vấn trường cho con, con lại không biết ơn!”

“Chúng ta làm tất cả cũng là vì muốn con có tương lai tốt, chứ người được lợi là ai? Là chính con đấy!”

“Không hiểu thì thôi, đừng cãi nữa!”

Từ hôm đó, chuyện điền nguyện vọng trở thành quả bom nổ chậm trong nhà.

Chỉ cần tôi phản đối, là cả nhà lại nổ tung vì cãi vã.

Mẹ tôi chưa từng thấy tôi kiên quyết đến thế, liền nhẹ nhàng nói với bố tôi: “Dù gì con đường phía trước cũng là do con bé đi, hay là để nó thử xem?”

Nhưng bố tôi mắng bà: “Bà biết cái gì! Con bé nhà ông Vương, tên là Vương Minh Nguyệt, đòi học đạo diễn, kết quả đến 35 mới lấy chồng, 37 chưa có con, chồng bảo cô ta quá phiền nên ly hôn rồi!”

Mẹ tôi há miệng, nhưng cuối cùng không nói gì.

Bà có vẻ thấy có gì đó sai sai, nhưng lại cảm thấy… bố tôi nói cũng có lý.

Ngày tháng cứ thế trôi qua, gia đình vì chuyện chọn trường mà căng như dây đàn.

Bố tôi đập chén đập bát bắt tôi thỏa hiệp.

Mẹ tôi không lay chuyển nổi ông, đành quay sang khuyên tôi: “Bố con cũng chỉ là vì muốn tốt cho con. Nói thật thì bố nói cũng không sai đâu, con nên suy nghĩ lại…”

Tôi nhìn mẹ, hỏi: “Thế ý muốn của con thì sao?”

Bà lại im lặng.

Từ đôi mắt bất lực ấy, tôi nhận ra một điều: ý muốn của tôi, không quan trọng.

Trong mơ, tôi cuối cùng cũng học sư phạm.

Vì nguyện vọng của tôi đã bị sửa đổi.

Hôm nhận được giấy báo trúng tuyển, tôi ngồi khóc trong phòng.

Bố tôi hí hửng chụp ảnh khoe lên vòng bạn bè, bình luận thì toàn “chúc mừng”, giữa đó có một câu: “Ghen tị quá, con gái vừa giỏi lại biết nghe lời!”

Nhìn câu đó, tôi chỉ thấy gai mắt.

Tôi tốt nghiệp thuận lợi.

Vì học hệ sư phạm miễn phí, nên được phân công về dạy tại một trường trung học cơ sở.

Tôi dọn ra ở riêng, nhận nuôi một con mèo hoang.

Tôi đặt tên cho nó là Giang Tự Do.

Lúc đầu, Giang Tự Do rất dè chừng, luôn tìm cách lấy lòng tôi.

Nhưng sau khi phát hiện tôi thật sự yêu thương nó, nó đã biến thành “hoàng thượng” trong nhà.

Khi tôi đọc sách, nó nằm bên cạnh, có lúc còn dùng móng nhỏ ấn lên trang giấy, đòi chơi với tôi.

Tôi dần nhận ra—nuôi mèo, cũng giống như đang chăm sóc chính đứa trẻ bên trong mình năm xưa.

Tôi khao khát được đối xử thế nào, thì sẽ đối xử với nó y như vậy.

Vài năm sau, theo lời giới thiệu từ bạn bố, tôi đi xem mắt với một người tên là Trương Viễn.

Họ nói: “Trương Viễn hơi keo kiệt chút, nhưng thật thà. Nói cách khác là biết tiết kiệm, lo cho gia đình.”

“Bố mẹ anh ta đều làm trong cơ quan nhà nước, con lấy về thì chẳng cần lo gì. Lại còn công việc ổn định, tính tình tốt!”

Tôi nhìn bố mẹ, bối rối nói: “Nhưng… con không thích anh ấy. Không thích thì có thể kết hôn sao?”

Họ chỉ lạnh lùng đáp: “Lấy chồng là để yên ổn sống, ăn mặc đủ đầy.”

Đến cuối cùng, yêu hay không yêu đều là hư ảo. Người ta thật thà, đối xử tốt với mình là đủ rồi.

……

Một khi đã nhượng bộ, con người ta sẽ chỉ tự hỏi: “Liệu mình còn có thể lùi thêm một bước nữa không?”

Ngày tôi và Trương Viễn kết hôn, mẹ anh ta đã giục sinh con ngay tại tiệc cưới.

Tháng đầu tiên sau khi kết hôn, bố mẹ anh ta yêu cầu tôi đem Giang Tự Do đi.

“Từ trước khi cưới đã nói rõ rồi mà? Sau khi cưới, đừng can thiệp vào chuyện tôi nuôi mèo thế nào.”

Mẹ Trương Viễn lên tiếng trước: “Ây da, Tiểu Tuyết à, chúng ta cũng chỉ muốn tốt cho con thôi! Mèo thì nhiều vi khuẩn, hai đứa còn phải chuẩn bị sinh con, sao có thể nuôi cái loài súc sinh ấy được? Với lại…”

“Nó không phải súc sinh!” Tôi ngắt lời bà ta. “Chuyện này, tôi đã nói rõ với Trương Viễn trước khi cưới rồi. Trong thỏa thuận tiền hôn nhân, cũng đã ghi rõ điều này. Giang Tự Do đối với tôi như con ruột. Nếu bác vẫn kiên quyết đòi đuổi nó đi, vậy thì tôi chỉ còn cách ly hôn với Trương Viễn.”

“Cô… Nhà chúng tôi cưới cô về tốn bao nhiêu tiền, vậy mà cô lại vì một con mèo mà đòi ly hôn với con trai tôi sao?” Giọng bà ta cao vút lên vì giận dữ.

Tôi không muốn tranh cãi với bà ta, liền gọi Trương Viễn đến: “Chuyện này, anh tự nói với bố mẹ đi.”

Tôi dẫn Giang Tự Do quay về căn nhà tôi đã mua từ trước khi kết hôn. Nào ngờ ngày hôm sau, bố mẹ Trương Viễn dẫn theo thợ khóa đến nhà tôi, mang theo cả giấy chứng nhận kết hôn và chứng minh nhân dân của Trương Viễn.

Họ đã đánh chết Giang Tự Do.

Họ nói là do Giang Tự Do cào bố Trương Viễn trước, nên họ mới ra tay.

“Chẳng lẽ vì một con súc sinh, cô định ra tay với cả người lớn tuổi như chúng tôi sao?”

Khi xác nhận Giang Tự Do trước khi chết đã bị bạo hành và đánh đập dã man, tôi vớ lấy một con dao, đâm thẳng vào họ.

Sau đó, tôi nhảy từ tầng mười tám xuống.

Cha mẹ ôm thi thể tôi, khóc đến đứt ruột: “Sao lại thành ra thế này chứ?”

2.

Hồi tưởng lại giấc mơ kinh hoàng đó, toàn thân tôi run lên bần bật.

Mười tám tuổi, tôi vẫn chưa hiểu rõ về công việc hay hôn nhân, nhưng cái cảm giác nghẹt thở ấy thì vẫn không tài nào xua đi được.

Chú Lưu uống quá chén, bố tôi gọi sẵn xe taxi, đưa ông ấy xuống lầu.

Sau khi trở về nhà, bố tôi vừa đi vừa khe khẽ ngân nga một khúc hát, tâm trạng vô cùng vui vẻ.

Tôi hỏi ông:

“Bố muốn con đăng ký trường nào?”

Ông nói ra tên một trường sư phạm, không khác gì giấc mơ đêm đó.

Tôi nhìn thẳng vào mắt ông, giọng bình thản “Ừ” một tiếng, coi như đã biết.

Ông lại tỏ ra rất mừng rỡ, tưởng tôi đồng ý rồi, quay sang nói với mẹ:

“Thấy chưa, tôi đã bảo mà, Tiểu Tuyết nhà mình là ngoan nhất, hiểu được tấm lòng của cha mẹ!”

Tôi suy nghĩ suốt một đêm.

Dù giấc mơ kia là điềm báo hay chỉ là nỗi sợ do tôi tự tưởng tượng, thì con đường đó… tôi không muốn bước tiếp.

Tôi muốn tự nắm lấy cuộc đời mình, dù bố mẹ có ủng hộ hay không.

Tôi tra cứu học phí ngành sáng tác sáng tạo, một năm là tám nghìn tệ.

Đối với tôi, đó là khoản không nhỏ, nhưng cũng không đến mức không thể tự xoay xở.

Sáng hôm sau, tôi tìm được một công việc gia sư, dạy môn xã hội mà tôi giỏi.

Buổi chiều, điểm thi được công bố. Tôi tra điểm, quả nhiên đúng như trong mơ.

Dựa theo điểm chuẩn các năm trước, tôi đủ khả năng đỗ vào trường mà mình yêu thích.

Vì tôi không hề tỏ ra phản kháng gì, bố mẹ cũng ngầm cho phép tôi ra vào sớm muộn.

Hôm điền nguyện vọng, tôi xin nghỉ dạy, khóa trái cửa phòng ngủ, ở lì trong phòng cả ngày.

Cho đến khi hệ thống báo danh đóng lại, cho đến khi chắc chắn nguyện vọng một là trường và chuyên ngành tôi khao khát.

Trong khoảng thời gian đó, bố tôi gọi điện xác nhận.

Có lẽ vì thấy tôi không còn chống đối nữa, ông vô cùng hài lòng, còn khen ngợi tôi:

“Tiểu Tuyết thật sự đã trưởng thành rồi, hiểu chuyện lắm!”

Ngày giấy báo trúng tuyển gửi về, bát đĩa trong nhà vỡ tung tóe.

“Con không thể hiểu chuyện hơn chút được sao?

Con biết bố vì chuyện đăng ký nguyện vọng cho con mà lo lắng thế nào không?

Thế mà con lại lén đăng ký một mình! Ai cho con cái gan ấy? Mọc cánh rồi phải không? Biết thế lúc sinh ra đã bóp chết cho xong!”

“……”

Lời mắng mỏ, chửi rủa cứ thế vang lên bên tai.

Khi bố tôi mắng chán rồi, đến lượt mẹ tôi.

Bà hiển nhiên cũng bị việc tôi tự ý quyết định làm cho hoảng loạn:

“Con nghĩ gì vậy? Nói cho mẹ nghe xem.”

Tôi cầm ly sứ, nhấp một ngụm nước ấm, ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào họ:

“Điểm thi là do con tự thi ra. Vậy thì đi đâu, tại sao không thể để con tự quyết?”

Bố tôi nổi giận:

“Thế con đã nghĩ đến chuyện việc làm chưa? Con nghĩ học cái ngành đó thì sau này làm gì được?”

“Bố không tin con gái mình sao?”

“Cái tuổi như con thì biết cái gì! Biết tìm việc giờ khó đến mức nào không? Giờ có bằng thạc sĩ còn khó xin việc, huống gì là cử nhân! Con ngoan ngoãn mà đăng ký sư phạm miễn học phí, ra trường nhà nước phân công công tác, thế có gì không tốt?”

Tôi lại hỏi ông:

“Bố thật sự không tin con gái bố sao?”

Chúng tôi nhìn nhau trừng trừng.

Ông im lặng một lúc, sắc mặt đen lại đến cực điểm.

Tôi đưa chiếc cốc sứ đến trước mặt ông:

“Muốn đập thì cứ đập, dù sao cũng không phải tiền con mua.”

“Con—”

Ông vung tay đánh văng chiếc cốc, nước văng tung tóe, chiếc cốc sứ lăn một vòng trên nền nhà nhưng không vỡ.

Ông vẫn chưa hả giận, đá một cái, chiếc cốc đập vào chân bàn, phát ra tiếng “cạch” vang dội nhưng vẫn còn nguyên.

Cuối cùng, ông để lại một câu:

“Có bản lĩnh thì đừng tiêu tiền của bố, đừng dựa vào bố nuôi nữa.”