Chương 1
Cập nhật: 1 tháng trước
1.
Tôi được thông báo rằng mình là đứa trẻ bị ôm sai, không phải con gái ruột của nhà họ Phù.
Phản ứng đầu tiên của tôi chính là: “Ơ, chẳng phải mấy truyện ‘thiên kim giả – thiên kim thật’ mà tôi hay đọc, sắp xảy ra với tôi thật à?”
Để ngăn chặn mọi cốt truyện cẩu huyết, tôi lập tức xách hành lý về quê.
Ngày rời khỏi nhà họ Phù, tôi chẳng mang theo gì, ngoài mấy quyển tiểu thuyết tôi đã giấu đọc bao lâu nay.
Bố mẹ nuôi năn nỉ nhiều lần muốn tôi ở lại, tôi đều từ chối rất dứt khoát.
Họ nói ít nhất cũng nên mang theo quần áo với trang sức, tôi vẫn từ chối khéo léo.
Cô con gái ruột mà họ mới tìm được – Từ Lai Ngân, à không, giờ phải gọi là Phù Hỉ Lạc – đứng bên cạnh chứng kiến tất cả.
Cô ấy lớn lên ở nông thôn, da ngăm đen, nhưng đôi mắt sáng rực giống hệt mẹ nuôi.
Cô mở miệng bằng một giọng non nớt: “Thật ra chị có thể ở lại mà.”
Một câu quen thuộc y như bước ra từ mấy bộ truyện “thiên kim giả”, khiến tôi ngay lập tức tỉnh táo lại.
Tôi chỉ lắc đầu: “Chị đã cướp đi quá nhiều năm tháng tốt đẹp của em. Bây giờ em đã trở về nhà thật sự, thì chị cũng nên quay về nơi mình thuộc về.”
Cô ấy cũng không ép nữa, chỉ lặng lẽ gửi cho tôi một tài liệu có tên “Chăm sóc lợn nái sau sinh” trước khi tôi rời đi.
“Nhà sắp có lợn đẻ, hi vọng cái này có ích với chị.”
Tôi ôm một bụng cảm xúc phức tạp và dũng khí mù quáng, bước lên xe khách quay về quê.
Trên xe, tôi đeo tai nghe, mở app nhạc, bật bài “Dũng khí đơn độc” cho mình, chế độ phát lặp lại không giới hạn.
Khi thực sự đặt chân lên con đường làng quen thuộc, tôi như được giải thoát, ngửa mặt hét lớn:
“Cuối cùng cũng thoát rồi! Nghẹt thở muốn chết!”
2
Nhà giàu sẽ chẳng bao giờ bạc đãi con mình trong việc giáo dục.
Mặc dù tôi sống ở nhà họ Phù nhiều năm, hưởng đủ thứ tốt đẹp, nhưng áp lực đặt lên người thừa kế thì cũng không thiếu chút nào.
Tôi ghét bị sắp đặt mọi thứ, ghét cảm giác không có chút tự do nào. Dù có vùng vẫy mấy lần, kết quả cũng chẳng đi đến đâu.
Nhìn lịch trình bị lấp kín mỗi ngày, tôi muốn gào thét cũng chẳng ai nghe.
Giờ thì thiên kim thật đã trở về, một đứa thiên kim giả như tôi nghiễm nhiên phải nhường chỗ.
Mà những sắp xếp khủng khiếp kia, tất nhiên cũng chuyển giao cho Phù Hỉ Lạc.
Vậy là cuối cùng tôi cũng thoát khỏi cái lịch trình dày đặc khiến tôi kiệt sức mỗi ngày rồi.
Nghĩ lại thấy hơi có lỗi, tôi liền gõ vài cái “mộc ngư điện tử” để tăng thêm công đức.
Chỉ mong Phù Hỉ Lạc đừng hận tôi quá.
3.
Khi nhận được cuộc gọi, tôi đang ở chuồng heo, canh con lợn nái sắp đẻ.
Tôi đã chuẩn bị đủ mọi thứ để chào đón mấy bé heo con sắp chào đời.
Ai ngờ lợn lại… khó sinh.
Tôi hoàn toàn bó tay.
Vừa định gọi điện cho Phù Hỉ Lạc cầu cứu, thì điện thoại rung lên.
Không nhìn màn hình, tôi ấn nghe ngay, miệng nói luôn:
“Lợn khó đẻ, phải làm sao bây giờ?!”
“Cái gì mà lợn khó đẻ?”
Một giọng nam vang lên. Tôi ngớ người, rút điện thoại ra nhìn, là Chúc Vân Thanh.
Chúc Vân Thanh – vị hôn phu của tôi.
À không, giờ phải là vị hôn phu của Phù Hỉ Lạc.
Dù sao người đính hôn với anh ta là “tiểu thư nhà họ Phù”, chứ không phải Phù Minh Quang tôi.
Tôi cứ tưởng là Phù Hỉ Lạc gọi, nên mới nghe không cần nhìn.
“Minh Quang, em đang làm gì đấy?”
“Đỡ đẻ cho lợn.”
Đầu dây bên kia im lặng vài giây, rồi lại vang lên giọng anh ta:
“Thế đến lúc nào đó… em có thể đỡ đẻ cho vợ anh – Phù Minh Quang không?”
Tôi nghẹn lời. Thật sự muốn chui qua đường dây điện thoại, lôi đầu anh ta ra mà đấm một trận.
“Không thể. Em chỉ biết đỡ đẻ cho lợn, không biết đỡ đẻ cho người.”
Không chờ anh ta đáp, tôi tắt máy thẳng.
Giờ hai chúng tôi đã không còn cùng một thế giới. Dù có cảm tình, cũng không cùng đẳng cấp.
Mà trong hàng trăm cuốn truyện tôi từng đọc, nam thần nhà giàu thì luôn là “CP chuẩn” của thiên kim thật.
Thiên kim giả như tôi thì chỉ là nữ phụ độc ác.
Cho nên… tôi chấp nhận buông tay.
Ngay lúc tôi chuẩn bị chìm vào trạng thái “emo”, thì con lợn khó sinh cuối cùng cũng sinh ra một đàn heo con mà tôi trông mong đã lâu.
Tạm dừng “emo”, tôi còn phải đi đón tụi heo con mà chính tay tôi đỡ đẻ nữa kìa!
….
* “EMO” (viết từ tiếng Anh emotional): dùng để chỉ trạng thái buồn bã, tiêu cực, u sầu, suy sụp tinh thần (thường là tự bi kịch hóa bản thân)
4
Buổi tối, đến giờ ăn cơm, cả nhà tụ tập quanh chiếc bàn nhỏ.
Người không nhiều, chỉ có mẹ, tôi và cậu em trai nhỏ hơn tôi mười tuổi – Từ Lai Phúc.
Tại sao bố không có ở đây? Tôi từng hỏi Phù Hỉ Lạc.
“Bố á? Cầm hết tiền đi đâu không rõ, mỗi năm chỉ khi nào hết tiền mới quay về xin tiền của mẹ, có tiền rồi lại đi mất.”
Bố bỏ đi, mẹ vất vả, em trai còn nhỏ dại, thật sự không thể tưởng tượng được Phù Hỉ Lạc trước đây đã phải sống khổ sở thế nào.
Cô ấy thay tôi chịu đựng cuộc sống khó khăn suốt bao nhiêu năm, dù thế nào đi nữa, tôi cũng không thể tùy tiện nói mình khổ được.
Đây không chỉ là nhà của cô ấy, mà còn là nhà của tôi.
Nhưng lần đầu mới về, tôi vẫn còn chút ngại ngùng, chỉ dám gắp món ăn ngay trước mặt.
Mẹ nói tiếng phổ thông không quá chuẩn, hỏi:
“Sao thế, Minh Quang, cơm không hợp khẩu vị à?”
Tôi vội vàng lắc đầu:
“Không, không ạ.”
Mẹ dùng đầu đũa gắp một miếng thịt bỏ vào bát tôi:
“Nào, ăn thịt đi.”
Tôi đáp lời, ánh mắt vô thức liếc qua Từ Lai Phúc đang cắm cúi ăn cơm, gầy gò.
Đột nhiên nhớ đến lúc mới gặp Phù Hỉ Lạc, ấn tượng đầu tiên của tôi cũng là gầy.
Nếu như tôi giữ dáng vì theo đuổi cái đẹp, thì họ có lẽ là vì làm việc mà gầy đi.
Tôi gắp miếng thịt mà mẹ vừa đặt vào bát mình, chuyển sang bát của Từ Lai Phúc.
Cậu ấy bị tôi làm cho giật mình, ngừng ăn, đôi mắt chớp chớp nhìn tôi.
Đôi mắt cậu ấy trong veo như nước, không vương chút tạp chất nào, tràn đầy sự ngây thơ và trong sáng của trẻ con.
Tôi bị nhìn đến mức hơi ngại, đưa tay gãi nhẹ sống mũi, bất giác lắp bắp:
“Cho, cho em ăn đi.”
Sợ họ nghĩ tôi chê miếng thịt, tôi vội vàng giải thích:
“Không, không phải tôi không thích. Chỉ là thấy em gầy quá.”
Mẹ hơi ngẩn người, rồi mỉm cười nhẹ:
“Chị cho con, thì ăn đi.”
Thật lòng mà nói, tôi thấy nơi này cũng khá ổn, không có những sắp xếp nặng nề, dù ban đầu có chút không quen.
5
Sau khi đọc xong cuốn “Chăm sóc lợn nái sau sinh”, tôi nhận ra rằng lợn mẹ vừa sinh cần có thức ăn tươi mới.
Vì vậy, sáng sớm hôm sau, tôi đeo gùi lên lưng, mang liềm lên núi cắt cỏ lợn.
Trước khi đi, mẹ giữ tôi lại, nói:
“Việc này không cần con làm đâu, để mẹ làm là được rồi.”
Tôi cầm hai cái liềm trong tay, giơ ra trước mặt mẹ, tạo thành hình chữ X.
“Không được, lợn mẹ trong chuồng đang chờ cỏ lợn của con đấy, có thế lợn con mới có sữa bú chứ!”
Nói xong, tôi liền đi lên núi cắt cỏ.
Trên núi, cây cối cao vút, cỏ mọc um tùm, tôi cầm liềm, vung tay chặt những bụi cỏ cao hơn cả người mình.
Xung quanh chỉ có tiếng gió xào xạc thổi qua lá và tiếng liềm cắt cỏ của tôi.
Cắt chưa được bao lâu, tôi bắt đầu thấy sợ.
Nhớ lại mấy câu chuyện kinh dị về “cánh đồng lau sậy” mà điện thoại thường gửi thông báo, càng nghĩ càng sợ, đến nỗi cứ cắt cỏ lại ngoảnh đầu nhìn ba lần.
Tôi lấy điện thoại ra, mở bài “Đoàn kết chính là sức mạnh” tự cổ vũ mình, giai điệu hào hùng vang lên trong tai, xua tan đi phần nào lo lắng và sợ hãi.
Nhân tiện, tôi còn gửi cho Phù Hỉ Lạc một tin nhắn:
[Tôi vì con lợn của nhà mình mà liều mạng rồi.]
Cô ấy gửi lại cho tôi một dấu hỏi chấm, rồi tiếp tục gửi thêm một tin nhắn:
[Chuyện gì thế? Cậu làm gì vậy?]
[Đang ở trên núi cắt cỏ lợn, cỏ cao quá, rậm rạp, tôi không dám đụng vào. Nhưng tôi đã mở bài “Đoàn kết chính là sức mạnh” cho mình nghe, hiệu quả rõ rệt.]
Cô ấy gửi một biểu cảm cười ra nước mắt, rồi sau đó là một video dài hơn chục giây.
Tôi mở ra xem, hóa ra là video cô ấy đang hát bài “Đoàn kết chính là sức mạnh”, đến khi video còn khoảng năm giây thì giọng cô ấy dừng lại.
Sau đó, tôi nghe thấy giọng của mẹ nuôi vang lên:
“Phù Hỉ Lạc, con đang làm gì đấy?”
Điện thoại lại rung lên, Phù Hỉ Lạc gửi tin nhắn:
[Bị mẹ xử lý rồi, xuống tuyến đây.]
Tôi khẽ cười một tiếng.
Rồi lại thấy không đúng lắm, bèn mở mộc ngư điện tử gõ vài cái.
Công đức +1.