Chương 1
Cập nhật: 2 tuần trước
1.
Em họ tôi có thai.
Nó còn chưa tốt nghiệp đại học, dì tôi lại hiền lành nhút nhát, hai mẹ con bối rối, cuống quýt.
Xác định em họ muốn giữ đứa bé, tôi đứng ra lo liệu hết mọi việc, xin bảo lưu học tập, đi bệnh viện lập hồ sơ khám thai, thậm chí còn tranh thủ tìm hiểu trước về trung tâm chăm sóc sau sinh và bảo mẫu em bé.
Sau khi giao tiền, mọi thứ đâu vào đấy, tôi an tâm quay về công việc.
Rồi nhận được tin nhắn em họ gửi tới.
“Em xin lỗi chị, chị ly hôn với anh rể đi.”
“Đứa bé trong bụng em là của anh ấy.”
“Em và anh ấy… yêu nhau thật lòng.”
Từng dòng tin nhắn như từng nhát dao đâm nát nhận thức của tôi, chấn động đến mức tôi chẳng còn thấy giận dữ hay đau lòng gì nữa.
Tôi không trả lời.
Tất cả lòng kiên nhẫn và sự thương hại dành cho nó, phút chốc tan thành mây khói.
Thời gian và sức lực quý báu của tôi, không đáng để phí phạm lên người như nó.
Xử lý xong đống công việc chất đống mấy ngày, đã 8 giờ tối.
Mẹ tôi gọi điện, giục tôi về quê.
Quãng đường 40 phút lái xe.
Tôi xoa trán, vừa dọn bàn làm việc vừa từ chối:
“Con tăng ca cả ngày rồi, mệt quá, không muốn lái xe.”
Mẹ tôi nài nỉ:
“Dạ dày mẹ đau âm ỉ, ăn gì cũng không vô, đêm còn đầy hơi ợ nóng, không ngủ được.”
Mẹ tôi thật sự có tiền sử bệnh dạ dày, từ hồi sinh tôi rồi ở cữ không đúng cách mà để lại di chứng.
Tôi mua thuốc dạ dày, uống liền một cốc cà phê đậm đặc, cố gắng lết xác về quê.
Xe còn chưa kịp đỗ hẳn, đã nghe tiếng khóc nức nở của dì:
“Tiểu Như à, con thương em con với!”
Bà ấy quỳ thẳng trước mặt tôi.
Một luồng mệt mỏi toàn thân lập tức ập đến.
Mẹ tôi trách móc:
“Còn không mau đỡ dì con dậy! Để trưởng bối quỳ trước mặt, con không sợ trời đánh à!”
Bà ấy thì trông tỉnh bơ, mặt hồng hào, bụng no căng, nào có dấu hiệu bệnh tật gì.
Sắc mặt tôi lạnh hẳn đi, bình tĩnh đáp:
“Nếu trời đánh, thì cũng nên đánh trúng đôi gian phu dâm phụ kia, đánh tôi làm gì?”
Mẹ tôi hơi ngượng ngùng, đỡ dì đứng dậy, vội vàng hòa giải:
“Có gì từ từ nói với Tiểu Như, con bé nó luôn thấu tình đạt lý.”
Dì thuận thế đứng lên, vừa lau nước mắt vừa khóc lóc:
“Tiểu Như à, con nhường Thường Minh cho em con đi. Nó từ nhỏ đã thiếu thốn tình cảm cha, con đừng để đứa bé của nó cũng chịu khổ như vậy.”
Cha em họ mất sớm, dì tôi một mình vất vả nuôi nó lớn. Mẹ tôi và dì chị em thân thiết, bao năm qua luôn hỗ trợ giúp đỡ.
Lớn lên, tôi cũng dốc lòng chăm lo cho họ.
Dần dà, tất cả trở thành điều đương nhiên.
Giống như bây giờ, em họ cướp chồng tôi, mà họ còn yêu cầu tôi phải nghĩ cho nó.
Ngay cả mẹ tôi cũng cho là như vậy.
“Con bé xuất thân từ gia đình đơn thân, giờ lại lỡ dở mang thai, còn đứa trẻ, ngoài Thường Minh ra, ai còn cần nó nữa? Con bé mới hai mốt tuổi, con đừng phá hỏng tương lai nó.”
Tôi không thể tin nổi những lời này lại thốt ra từ miệng chính mẹ mình.
Tôi buồn cười thật sự.
Và tôi cười.
“Đơn giản thôi. Bảo Hứa Nguyện đi phá thai, thế là xong. Không có đứa bé vướng bận, muốn tìm người tốt cũng dễ, chẳng ai phải khổ cả, đôi bên cùng có lợi.”
Hứa Nguyện, đứa em họ núp trong phòng nghe trộm, nghe vậy liền lao ra.
“Chị đúng là ác độc! Bản thân không chịu sinh con cho anh Thường Minh, còn không cho em sinh cho anh ấy!”
“Anh Thường Minh nói rồi, nhất định sẽ cho em và đứa bé một danh phận đàng hoàng! Chị tốt nhất là sớm ly hôn đi, đừng đợi đến lúc mất hết mặt mũi mới chịu.”
Tôi nhìn ra sau lưng cô ta, đó là phòng tôi.
Dì tôi vội vàng đỡ cô ta, dịu dàng dỗ:
“Muộn thế này rồi, về ngủ đi, con đang mang thai mà.”
“Ầm ĩ như vậy, ai ngủ nổi chứ!” Hứa Nguyện phụng phịu.
Con người khi cạn lời thật sự chỉ biết cười.
Tôi lại cười.
Tôi đi kiểm tra phòng mình, quả nhiên —
Chăn bị lật tung, ga trải giường có dấu vết rõ ràng.
Tôi gom hết chăn đệm lại, thẳng tay ném ra ngoài cửa sổ.
“Ai ya, em con về nhà mình, lần nào chẳng ngủ trong phòng con? Hôm nay ai biết lúc nào con về, em con lại đang có thai, đâu thể chờ ngoài phòng như người khác? Con à…”
Mẹ tôi lại bắt đầu hòa giải theo kiểu dở khóc dở cười.
2
“Nếu một ngày nào đó, có người đàn bà mang thai với ba con, mẹ cũng mời bà ta lên giường của mẹ ngủ à?”
Tôi nhìn thẳng vào mắt mẹ, từng chữ từng chữ hỏi.
Mẹ tôi nhất thời nghẹn lời, sau đó ấp úng:
“Đó sao giống nhau được… Em con đâu phải người ngoài…”
Hứa Nguyện bật cười khinh miệt:
“Chị giành hơn thua lúc này thì có ích gì? Dù sao cuối cùng anh Thường Minh cũng sẽ ly hôn với chị thôi, trong lòng anh ấy sớm chẳng còn chị nữa rồi.”
“Chị kéo dài không chịu ly hôn thì được gì? Đến lúc kiện ra tòa, với cái đồng lương đó của chị, chịu nổi tiền thuê luật sư không?”
“Biết điều thì lo liệu sớm đi, anh Thường Minh vui lòng, còn có thể cho chị chút tiền cấp dưỡng.”
Tôi hơi sững người, thoáng qua trong mắt là một tia ngỡ ngàng.
Phải rồi, để giữ thể diện cho chồng, từ trước đến giờ tôi luôn nói ngược đi: bảo rằng tôi lương thấp, Thường Minh kiếm nhiều. Nhưng thực tế, lương mỗi năm của Thường Minh hai trăm ngàn, người kiếm cả triệu mỗi năm – là tôi.
Vậy mà giờ lại thành cái lý để Hứa Nguyện ỷ thế ép tôi ly hôn.
“Hứa Nguyện, sao em lại nghĩ rằng chị sẽ giành một tên đàn ông không trung thành với hôn nhân, vô trách nhiệm và ngoại tình? Em thích bới rác tìm đàn ông, nhưng chị thì không có cái sở thích đó.”
Hứa Nguyện mặt đỏ bừng, giận dữ quát:
“Chị nói thì làm cho được đấy nhé!”
Nó kéo tay dì bỏ đi.
“Khuya rồi, Tiểu Như, con lái xe đưa em và dì về đi.”
Lần này tôi tiện thể tạt luôn mẹ tôi một câu:
“Còn chưa tỉnh ngủ hả mẹ?”
“Chị cứ chờ đấy.” – Hứa Nguyện chỉ vào xe tôi – “Anh Thường Minh là của em, cái xe này sau này cũng là của em.”
Nhà dì tôi cách đây không xa, đi bộ tầm mười lăm phút.
Mẹ tôi tiễn theo bóng lưng họ, sốt ruột đẩy vai tôi:
“Con không có lương tâm à? Em con đang mang thai, sao đi nổi quãng đường xa thế?”
Họ đến đây lúc chiều là mẹ tôi dùng xe điện chở từng người một đến.
Nếu không phải vì trời tối mẹ không dám chở người, chắc cũng muốn phục vụ chu đáo tận răng.
“Ngày đó mẹ ở cữ, con mụ già kia đến chút dầu mỡ cũng không cho mẹ ăn, càng không lo gì chuyện trông nom con. Ba con thì đi làm tận phương xa, nếu không có dì con đến giúp ở cữ, giặt giũ nấu ăn, chăm sóc hai mẹ con, thì làm sao sống được?”
“Giang Dĩ Như, làm người phải biết ơn. Dì con và em con đã khổ lắm rồi, từng ấy năm trong nhà không có đàn ông, đáng thương biết bao.”
Tôi gật đầu:
“Dì với Hứa Nguyện đúng là đáng thương thật đấy. Vậy mẹ cho luôn ba con cho dì đi, thế là nhà dì có đàn ông rồi, tốt quá còn gì.”
“Con nhỏ chết tiệt!” – Mẹ tôi mắng – “Chỉ biết cãi chày cãi cối!”
Thì ra, mẹ tôi chỉ giỏi vung tay… bằng tiền người khác.
“Bảo thật nhé, con cứ không chịu sinh cho Thường Minh một đứa con, nay cũng ngoài ba mươi rồi, mẹ lo lắm, sợ một ngày nào đó nó chán con.”
“Không có em con thì cũng có người phụ nữ khác thôi, may là ‘nước béo không chảy ra ruộng ngoài’… Em con học thức cao hơn, trẻ hơn, đẹp hơn, lại chịu sinh con cho Thường Minh. Nếu mẹ là Thường Minh, mẹ cũng dồn hết tâm tư cho em con thôi.”
“Bây giờ chuyện đã rồi, con cũng đồng ý ly hôn rồi, thì đừng làm ầm nữa. Ly hôn trong hòa bình, sau này còn gặp nhau không đến mức khó xử. Nó tính rộng rãi, tiền cấp dưỡng không thiếu phần con đâu. Có gì về sau, nó cũng còn có thể giúp đỡ.”
Tôi vậy mà lại chẳng thấy buồn lòng chút nào.
Mẹ tôi có nói ra lời nào không biết xấu hổ đi nữa, tôi cũng không còn bất ngờ gì.
Tôi chỉ thuận miệng hỏi:
“Ly hôn xong rồi, con phải làm sao đây?”
Bà lặng người. Rõ ràng, chuyện này bà chưa từng nghĩ đến.
Tôi khẽ cười, bước lên xe.
“Tiểu Như…” – Cuối cùng bà cũng nhận ra sự lạnh lùng của tôi, hấp tấp gọi – “Khuya rồi, ngủ lại nhà đi con, lái xe mệt lắm.”
“Từ sáng đến tối bắt con tăng ca, rồi còn lừa con về đây, lúc đó không thấy con mệt. Giờ thì giả vờ quan tâm làm gì?”
Không chút do dự, tôi nhấn ga rời đi.
Tôi nghĩ… sau này chắc cũng chẳng cần quay lại nữa.
3
Tôi và Thường Minh, từ thời còn đi học đến khi bước vào lễ đường, mười lăm năm bên nhau, anh ta luôn biết tôi không muốn sinh con.
Không phải vì không thích trẻ con, cũng chẳng phải do theo chủ nghĩa DINK, mà là tôi không đủ sức để gánh vác trách nhiệm nuôi dạy một đứa trẻ.
Một đứa trẻ muốn lớn lên khỏe mạnh, không thể thiếu điều kiện vật chất và sự đồng hành tinh thần.
Tiếc là hai thứ ấy, từ trước đến nay chẳng mấy khi song hành.
Tôi có thể cho con đầy đủ vật chất, nhưng sự nghiệp thành công đồng nghĩa với việc tôi không thể rút thời gian ra để đồng hành cùng quá trình trưởng thành của nó – mà đó mới chính là thế giới tinh thần quan trọng hơn cả với một đứa trẻ.
Thế nên tôi thà không sinh.
“Vậy thì mình đừng sinh con, mãi mãi sống hai người cũng tốt.” – ban đầu Thường Minh đã nói như vậy.
Sau này, anh ta bắt đầu thăm dò:
“Hay là mình sinh một đứa con nhé, để anh chăm.”
Anh ta không nói một lần, mà rất nhiều lần.
Tôi không tin.
Một người phải nhắc bảy, tám lần mới chịu rửa chén; một người mỗi ngày chơi game hai tiếng; một người không có kiên nhẫn giải thích cho con nít hiểu chuyện…
Người mang thai mười tháng không phải anh ta, người phải chịu đựng cơn đau đẻ cũng không phải anh ta.
Tôi không tin việc làm cha sẽ khiến anh ta đột nhiên thay đổi cách sống.
Có thể có người đàn ông như vậy, nhưng không phải Thường Minh.
Bởi vì anh ta chưa từng, dù chỉ một lần, thử tắt giao diện game rồi nói với tôi: “Em nhìn xem, anh có thể không chơi game mà.”
Không có.
Chỉ toàn là cái miệng:
“Anh sẽ chăm con.”
Giống hệt những lời hứa hẹn của mẹ anh ta mỗi lần hối tôi sinh cháu.
Một lò ra cả.
Những lời hứa ấy, có thể thoạt đầu nghe ra thật lòng, nhưng như mây trời biến hóa, chỉ cần một cơn gió là tan biến. Thế nên tôi chưa từng tin vào bất kỳ lời hứa nào của ai cả, tôi chỉ tin vào chính mình.